Thế giới

Chính phủ Mỹ thoát cảnh đóng cửa:Tái diễn kịch bản nhiều rủi ro

Hoàng Linh 22/12/2024 - 07:37

Việc một lần nữa Chính phủ thoát khỏi cảnh đóng cửa đã tránh cho kinh tế - xã hội Mỹ kịch bản xấu, nhưng là dấu hiệu cho thấy các thế lực chính trị trong Quốc hội xứ Cờ hoa còn nhiều khác biệt và bất đồng.

Đây là tình trạng rất rủi ro trong bối cảnh cuộc chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang diễn ra.

my-1.jpg
Chính phủ của Tổng thống Joe Biden đang trải qua giai đoạn cuối nhiệm kỳ với nhiều thách thức.

Sáng 21-12 (giờ Việt Nam), Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách mới nhằm ngăn Chính phủ đóng cửa, chỉ vài giờ trước thời hạn chót. Dự luật - do đảng Cộng hòa đề xuất - đã được Thượng viện Mỹ thông qua với tỉ lệ 85 phiếu thuận và 11 phiếu chống. Trước đó, Hạ viện Mỹ thông qua với 366 phiếu thuận và 34 phiếu chống. Hầu hết thành viên đảng Dân chủ ủng hộ dự luật, trong khi tất cả phiếu chống thuộc về đảng Cộng hòa. Dự luật đã chuyển đến Tổng thống Mỹ Joe Biden để ký ban hành.

Việc Chính phủ thoát cảnh đóng cửa tránh cho nước Mỹ kịch bản toàn bộ hoạt động không thiết yếu phải ngừng lại. Ước tính, sẽ có khoảng 875.000 công chức phải tạm nghỉ và hơn 1,4 triệu người làm việc không lương cho đến khi lệnh đóng cửa kết thúc. Dù một số bang sẽ sử dụng quỹ riêng của mình để tiếp tục mở cửa một số công viên quốc gia, nhưng tình hình chung rõ ràng không thuận lợi. Nhiều nhân viên liên bang nghỉ việc sẽ khiến không ít dịch vụ công bị tạm dừng hoặc chậm trễ.

Đơn cử, trong trường hợp thiếu hụt về nhân viên an ninh hàng không và kiểm soát không lưu, số chuyến bay bị chậm sẽ tăng lên; tiến độ xây dựng các công trình giao thông trên toàn quốc có thể bị đình trệ; nhiều công viên quốc gia đóng cửa… Những cơ quan của Chính phủ bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế. Cá biệt, tới 90% nhân viên Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) Mỹ sẽ phải tạm nghỉ phép nếu tình huống Chính phủ đóng cửa xảy ra.

Về kinh tế, Chính phủ đóng cửa sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng, là lực cản cho tăng trưởng và kéo theo sự bất ổn. Chính phủ Mỹ có thể tạm dừng các chương trình cho vay, chậm trễ trong xử lý hồ sơ thành lập, sáp nhập… tất cả đều ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Những tác động này có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp và chi phí vay gia tăng, trong khi tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm xuống. Hoạt động kinh doanh cơ bản trên khắp nước Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Ước tính, mỗi tuần Chính phủ Mỹ đóng cửa có thể khiến nền kinh tế nước này thiệt hại tới 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, duy trì Chính phủ không phải điều dễ dàng với Mỹ ở thời điểm hiện nay, khi việc phê duyệt các dự luật nói chung và dự luật ngân sách nói riêng tại Quốc hội Mỹ luôn đầy thách thức. Lý do là bởi đảng Cộng hòa và Dân chủ đều không chiếm ưu thế rõ rệt ở cả Thượng viện và Hạ viện. Trong lần này, căng thẳng càng gia tăng sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump và đồng minh thân tín là tỷ phú Elon Musk gây sức ép khiến các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa phải từ bỏ dự luật ngân sách đã được họ thống nhất với đảng Dân chủ. Hai nỗ lực sau đó nhằm tìm kiếm thỏa hiệp đều thất bại, khiến Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson bị dồn vào chân tường.

Đáng ngại hơn, đây cũng không phải là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ đối mặt với nguy cơ đóng cửa và “thoát nạn” vào phút chót, mà thực tế đã trở thành tình huống “thường niên” lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Một trong những yếu tố “đổ dầu vào lửa” là việc Nhà Trắng đã chi nhiều hơn thu trong 20 năm qua khi đảng Dân chủ tìm cách mở rộng các chương trình y tế, còn đảng Cộng hòa lại hướng đến cắt giảm thuế. Mặt khác, dân số già hóa tại Mỹ được dự đoán đẩy chi phí hưu trí và y tế lên cao trong những năm tới. Diễn biến này có thể khiến nợ công của Mỹ, hiện đã ở mức 36.000 tỷ USD, tăng đều đặn. Nếu trần nợ công không được xử lý, nó có thể gây sốc cho thị trường trái phiếu với hậu quả kinh tế nghiêm trọng.

Việc Chính phủ luôn ngấp nghé bờ vực đóng cửa dường như đã trở thành “đặc sản” của nước Mỹ trong những năm gần đây, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới đời sống xã hội và nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, việc các lực lượng chính trị ở xứ Cờ hoa có thể tìm ra tiếng nói chung trong các vấn đề bất đồng, tìm kiếm một không gian thỏa hiệp rộng rãi hơn… trở nên cấp thiết, nhất là đang diễn ra tiến trình chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump.