Môi trường

Khơi thông nguồn lực phát triển Thủ đôBài 3: Sốt ruột với các dự án giao thông, môi trường

Việt Tuấn 22/12/2024 - 06:30

Theo kết quả giám sát của HĐND thành phố Hà Nội, có 6 trong số 8 chỉ tiêu thuộc nhóm chỉ tiêu về đô thị, nông thôn, môi trường dự kiến khó hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Trong đó, đến cuối năm 2023, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng mới đáp ứng được 19,5% nhu cầu; kế hoạch năm 2024 là từ 22% đến 25%; hoàn thành mục tiêu năm 2025 đạt từ 30% đến 35%... là nhiệm vụ thực sự khó khăn.

du-an.jpg
Đoàn giám sát của Ban Đô thị (HĐND thành phố Hà Nội) khảo sát thực địa tại dự án tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài (quận Nam Từ Liêm).

Nhiều dự án giao thông chậm tiến độ

Quá trình giám sát, Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Trần Hợp Dũng cho biết, hạ tầng giao thông của thành phố đang trong quá trình xây dựng, ùn tắc gia tăng, khiến thời gian chờ đợi và di chuyển trên đường của hành khách bị kéo dài, nhất là trong khung giờ cao điểm, dẫn đến xe buýt chưa thu hút được người dân trở lại sau khi đại dịch. Cùng với đó, hệ thống đường sắt đô thị cũng chậm tiến độ và chưa phát huy được hiệu quả. Hiện mới chỉ có tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và ngày 8-8-2024 vừa qua thêm đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy của tuyến 3.1 đi vào hoạt động, trong khi toàn tuyến đến cuối năm 2027 mới hoàn thành.

Nhiều dự án giao thông trọng điểm của thành phố chậm triển khai cũng góp phần làm Thủ đô thêm ùn tắc… Dự án cải tạo mở rộng quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai đi qua địa bàn huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông 2 năm qua vẫn ì ạch, đến nay mới giải ngân được khoảng 10% kế hoạch vốn. Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài 2,2km, tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng vẫn chưa thể hoàn thành do chậm giải phóng mặt bằng, đến nay cũng mới giải ngân được gần 40% kế hoạch vốn. Dự án đường nối Đại lộ Thăng Long - cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng, khởi công xây dựng tháng 10-2023. Đến nay, sau hơn 1 năm, công trường thi công trong tình trạng cầm chừng do toàn dự án mới chỉ nhận được 7,6ha trên tổng số gần 106ha đất cần thu hồi. Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam Hà Nội theo hình thức hợp đồng BT còn chậm tiến độ; hiện dự án đã kéo dài 16 năm vẫn chưa thể hoàn thành…

Cùng với đó, trên địa bàn thành phố có 57 trên tổng số 1.620 bãi đỗ xe theo quy hoạch đang khai thác sử dụng, nếu tính cả 66 bãi đỗ xe đang triển khai thì cũng mới chiếm khoảng 7,6%. Nhiều doanh nghiệp dù đã được phân các ô đất quy hoạch nhưng rồi lại bỏ không hoặc trả lại thành phố bởi cho rằng đầu tư bãi đỗ xe không mang lại hiệu quả kinh tế. Vì vậy, xe đỗ tràn lan vỉa hè, lòng đường được xem là “đặc sản” của Thủ đô.

Bài toán khó về tỷ lệ xử lý nước thải

Nhiều đại biểu HĐND thành phố cũng cho rằng, môi trường ô nhiễm cũng là một vấn đề đáng báo động ở Thủ đô. Nhiều điểm tập kết rác bố trí không hợp lý, việc thu gom chưa khoa học dẫn tới Thủ đô không sạch. Nhiều dự án xử lý rác thải như dự án Châu Can (huyện Phú Xuyên), dự án Núi Thoong (huyện Chương Mỹ) sau nhiều năm vẫn dậm chân tại chỗ.

Đáng chú ý, theo Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đoàn Việt Cường, mục tiêu hết năm 2025, tỷ lệ xử lý nước thải trên địa bàn thành phố đạt từ 50% đến 55% là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Bởi, hiện nay, 7 nhà máy xử lý nước thải tập trung được hoàn thành và đi vào hoạt động, mới chỉ có khoảng 30,9% được xử lý trong tổng số hơn 1 triệu mét khối nước thải phát sinh trên địa bàn thành phố mỗi ngày. Một số nhà máy, trạm xử lý khác đã hoàn thành nhưng hoạt động cầm chừng hoặc chưa đưa vào hoạt động. Đơn cử, như Trạm xử lý nước thải Việt Hưng trong Khu đô thị Việt Hưng trên địa bàn quận Long Biên hoàn thành vào năm 2018, công suất gần 7.700m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư khoảng 82 tỷ đồng (chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Xây dựng), đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục bàn giao cho Sở Xây dựng Hà Nội quản lý. Nhà máy đang vận hành cầm chừng khoảng 1/3 công suất thiết kế.

Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà tại xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức), công suất thiết kế 20.000m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng, được khánh thành năm 2016. Khi đi vào hoạt động, đây là công trình xử lý nước thải làng nghề lớn nhất cả nước. Thế nhưng, sau 8 năm, nhà máy cũng chỉ duy trì hoạt động được khoảng 20% công suất.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đàm Văn Huân cho biết, sau thời gian dài chậm tiến độ, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, đến nay Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đã bắt đầu vận hành. Thành phố quyết tâm đến ngày 2-9-2025 sẽ hoàn thành dự án bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch, nhằm hồi sinh dòng sông chết, cải thiện môi trường. Tuy nhiên, gói thầu số 3 là xây dựng hệ thống cống bao thu gom nước thải dọc sông Lừ và gói số 4 là xây dựng hệ thống cống bao khu đô thị mới và một phần khu vực Hà Đông đều đang dang dở. Trong đó, gói thầu số 3 hiện đang tạm dừng và sẽ phải đấu thầu lại để lựa chọn nhà thầu thi công mới. Gói thầu số 4 quây rào thi công trên nhiều tuyến phố nhiều năm, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Ngoài ra, nhiều vùng dân cư ở Thủ đô hiện vẫn chưa có nước sạch do tiến độ đầu tư xây dựng một số nhà máy khai thác nước mặt như sông Đà giai đoạn 2 nâng công suất lên 600.000m3/ngày đêm và Nhà máy Nước sông Hồng giai đoạn 1 công suất 300.000m3/ngày đêm còn chậm. Ghi nhận thực tế, vẫn còn 98 xã trên địa bàn thành phố chưa được cấp nước sạch tập trung, chủ yếu thuộc các huyện phía Bắc như Sóc Sơn, Đông Anh; phía Nam như Thường Tín, Phú Xuyên; vùng xa trung tâm như Ứng Hòa, Mỹ Đức và 3 xã miền núi của huyện Ba Vì.

Không chỉ vậy, theo kết quả giám sát của HĐND thành phố, ô nhiễm không khí ở Hà Nội cũng luôn là vấn đề đáng báo động. Nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời cũng ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3. Trong đó, ô nhiễm bụi mịn được ghi nhận tại hầu hết các quận, huyện của thành phố, nhất là các quận nội thành, tập trung đông dân cư và hoạt động giao thông.

Thành phố đặt ra mục tiêu sẽ di dời 81 cơ sở ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch ở 12 quận ra khỏi khu vực nội thành. Trong đó có 9 cơ sở được HĐND thành phố ban hành nghị quyết thông qua danh mục di dời, nhưng tới nay, mục tiêu đó chưa trở thành hiện thực. Đây cũng là tác nhân gây ô nhiễm và ùn tắc giao thông...

(Còn nữa)