Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): Những Anh hùng thầm lặng
Năm 2024, tôi có chuyến công tác ở các tỉnh phía Nam, gặp gỡ nhân chứng trong Cụm tình báo H63. Dù đã nhiều lần trò chuyện với Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo H63, tôi vẫn không khỏi choáng ngợp trước một nhân cách lớn về hoạt động tình báo.
Trong căn phòng toàn sách và tài liệu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Tàu kể cho tôi nghe về quá trình tổ chức hoạt động của Cụm H63, một trong những đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong đợt công tác này, tôi không đi sâu vào giá trị thông tin mà Cụm H63 chuyển về mà tập trung tìm hiểu về quá trình tổ chức hoạt động truyền tin. Bởi đây là một cụm tình báo tác nghiệp rất đặc biệt, trong suốt thời gian của cuộc chiến, mạch máu giao thông vận chuyển thông tin, tài liệu của Cụm H63 chưa một lần bị đứt. Đại tá Nguyễn Văn Tàu chính là người chỉ huy, nhà tổ chức làm nên chiến công đặc biệt xuất sắc đó.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu kể, theo một tài liệu thu được sau này thì ngay những năm 1960, khi ông đang ở ngoài Bắc thì Mỹ, ngụy đã lùng sục cái tên Tư Cang khắp nơi. Hồ sơ về ông mà phía địch giữ chỉ vỏn vẹn những dòng mô tả không rõ ràng: Tư Cang, Phó Chính ủy tình báo miền Nam, người trắng, cao, bắn súng bằng 2 tay rất giỏi. Quê quán: Chưa xác định. Gia đình: Chưa xác định... Phần ảnh Tư Cang trong hồ sơ ấy cũng được bỏ trống. Màn sương mờ về ông Tư Cang bao trùm lên nỗi bất an của chính quyền ngụy.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu cho hay, điệp viên Phạm Xuân Ẩn là “con át chủ bài” trong Cụm H63 và hoạt động an toàn cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng là một kỳ tích. Suốt từ năm 1962 đến 1975, Phạm Xuân Ẩn đã sống trọn vẹn với vỏ bọc và lấy được nhiều tin tức giá trị bất chấp cái chết cận kề. Những tin tức và phân tích của Phạm Xuân Ẩn nổi bật góp phần vào các trận thắng như Ấp Bắc năm 1963, Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (năm 1971), “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975.
Nhắc đến giao liên trong Cụm, mắt Đại tá Nguyễn Văn Tàu đỏ hoe. Ông kể, đường tin từ đồng chí Phạm Xuân Ẩn ra đến căn cứ là cả một hệ thống được tổ chức công phu. Trước hết là Cụm, đặt ở Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, nơi bị bom đạn địch cày xới tan nát. Từ Cụm đến Phòng Tình báo Miền (J22, đặt ở Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia) là con đường địch đánh phá liên tục và đầy các ấp chiến lược, trạm kiểm soát.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Tàu, để đưa được tin về J22, giao liên của Cụm H63 được chia làm 3 tuyến. Tuyến thứ nhất ở nội đô Sài Gòn, có nhiệm vụ giao liên nhận tài liệu từ Phạm Xuân Ẩn rồi mang tài liệu ra ngoại thành, đi công khai, gồm các đồng chí: Nguyễn Thị Yên Thảo (còn gọi là Mỹ Nhung, Tám Thảo) ở giai đoạn đầu, sau đó là bà Nguyễn Thị Ba. Có thể nói, sự an nguy của đồng chí Phạm Xuân Ẩn phụ thuộc vào sự khôn khéo, mưu trí, dũng cảm của hai người này.
Tuyến thứ hai là các đồng chí sống hợp pháp với địch trong các ấp chiến lược ven đô như Phú Hòa Đông, Nhuận Đức, Bến Cát, Bình Dương. Họ dùng giấy tờ do chính quyền ngụy cấp, nhận tài liệu từ giao liên tuyến nội đô đưa về ấp chiến lược. Họ đi bán công khai, luôn bố trí khoảng từ 8 - 10 người, tuổi đều từ 20 - 25, chủ yếu là nữ như các đồng chí Hà Thị Kiên (Tám Kiên), Hai Ánh, Tư Se, Út Trí... Bà Tám Kiên cho biết, đối với tuyến này, giao thông viên ra vào nội thành rất dễ bị chiêu hồi nhận mặt, chỉ điểm; phải học nhiều kỹ năng của người thành phố, lái xe, buôn bán, giao tiếp... để đi lại thuận lợi. Trong một lần gặp gỡ, bà Tám Kiên cũng kể lại với tôi: Giao liên trong tuyến nội đô là dám đương đầu với cái chết; chấp hành triệt để nguyên tắc giữ bí mật. Không một phút giây nào được chủ quan sơ suất, nếu không rất dễ bị cảnh sát, chỉ điểm, CIA rình bắt. Nếu chúng phát hiện ra tài liệu thì lập tức điệp viên sẽ bị bắt, cả đường dây sẽ bị vô hiệu hóa.
Tuyến thứ ba là lực lượng giao thông vũ trang trong địa đạo Củ Chi, có nhiệm vụ chuyển chỉ thị từ căn cứ vào ấp chiến lược và nhận tài liệu của tuyến hai (báo cáo của điệp viên trong nội đô gửi ra). Đây là tuyến chịu nhiều hy sinh, mất mát nhất.
Theo bà Tám Kiên, để hợp thức hóa công việc giao liên, đưa đón cán bộ Cụm đi lại giữa căn cứ và thành phố, bà mua bánh phồng ở Củ Chi mang xuống Sài Gòn bán. Chuyến về, bà mua trái cây, rau củ tại chợ Cầu Muối, mang về Củ Chi bán lại. Nhờ vỏ bọc này, bà hoạt động hợp pháp mà không bị địch để ý.
Trong đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ngày mùng 5 Tết, bà Tám Kiên được giao nhiệm vụ đưa ông Tư Lâm, cán bộ tình báo vũ trang của Cụm vào nội thành. Khi đến Hóc Môn, gặp trạm lính gác rất đông. Chúng xét kỹ từng người. Bà lo lắng, quay sang thấy ông Tư nước da vàng vì vừa dứt cơn sốt rét rừng. Nhìn xuống chân, ông Tư mang đôi dép lê, hằn rõ quai dép cao su. Bà lo lắng: “Chết rồi anh Tư ơi, sao anh không mang giày bata?”. Ông Tư nhìn xuống chân cũng giật mình bối rối, rồi an ủi bà: “Không sao đâu em”. Rồi ông Tư Lâm bị bắt. Bà chạy về, nước mắt giàn giụa, nói với ông Tư Cang: “Anh Tư Lâm bị bắt rồi anh ơi”. Ông Tư Cang an ủi bà: “Em lánh đi, nếu Tư Lâm chiêu hồi thì anh sẽ liều mạng chết chung với nó”.
Ông Tư Lâm bị tra tấn hết sức dã man, chết đi sống lại bao lần nhưng không hé răng nửa lời. Ông bị đày ra nhà tù Phú Quốc rồi hy sinh, thân xác chôn chung với những bạn tù. Chuyện này vẫn là nỗi ám ảnh không nguôi trong cuộc đời bà Tám Kiên và thành viên Cụm H63.
Một trong những anh hùng tình báo để lại trong tôi ấn tượng và sự kính trọng là Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo. Tôi nhớ mãi khi đọc tài liệu về thành tích của ông, Trung tướng Võ Viết Thanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kể, ông là một trong số hơn 2.000 tù nhân chính trị được thả vào thời điểm Phạm Ngọc Thảo nhậm chức Tỉnh trưởng Kiến Hòa (nay là Bến Tre). Sau đó, Phạm Ngọc Thảo còn khôn khéo lái các cuộc hành quân của địch vào chỗ không người, bảo toàn lực lượng cách mạng, góp phần vào thắng lợi của phong trào đồng khởi Bến Tre. Dưới danh nghĩa một sĩ quan cao cấp, có tiếng nói, có ảnh hưởng lớn đối với chính trường Sài Gòn, ông đã tham gia, tổ chức hàng loạt vụ đảo chính làm rung chuyển nền chính trị miền Nam những năm 1964 - 1965, gây mất ổn định nghiêm trọng cho chế độ Sài Gòn. Ông hy sinh vào đêm 17-7-1965, khi mới 43 tuổi. Lúc ấy, không ai biết ông là một chiến sĩ tình báo.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tình báo là tai mắt của Đảng, của quân đội, trách nhiệm rất quan trọng... Muốn biết địch thì phải có tình báo giỏi. Muốn khỏi địch biết ta, cũng phải có tình báo giỏi...”, thực tế cho thấy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành Tình báo quốc phòng đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, giúp Bộ Chính trị đưa ra các quyết định hệ trọng và giành thắng lợi. Để đất nước “nở hoa độc lập”, hòa bình, thống nhất như ngày hôm nay, những chiến sĩ tình báo đã nằm trong lòng địch chẳng khác nào sống trong “rừng gươm, nanh hổ”, chiến đấu với chúng bằng trí thông minh và tinh thần thép. Thậm chí, như có người đã viết, “họ đã đưa chiến tranh nhân dân vào trong giường ngủ đối phương mà chúng không hay biết”. Họ đã gác lại tình riêng, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, “bí mật, khôn khéo, cẩn thận, kiên nhẫn”, “dựa vào dân, đi sát địch” để xây dựng tổ chức, “luồn sâu, leo cao” thâm nhập vào các cơ quan đầu não địch và đi vào lịch sử dân tộc như những huyền thoại.