Tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng: Thiết thực với thị trường và doanh nghiệp
Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 174/2024/QH15 về kỳ họp thứ tám, trong đó đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng với nhiều loại mặt hàng từ ngày 1-1-2025 đến hết ngày 30-6-2025.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiến, chuyên gia kinh tế, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định đánh giá, việc tiếp tục thực hiện chính sách này có ý nghĩa thiết thực với thị trường, doanh nghiệp.
- Từ năm 2022, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đã được triển khai, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện chính sách này?
- Thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu. Trong giai đoạn 2022-2024, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% xuống còn 8% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…)
Chính sách này đã giúp kéo mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường, qua đó hỗ trợ kích cầu, góp phần kiểm soát lạm phát. Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng của năm 2023, 2024 tương đối ổn định, ở mức trên dưới 4%.
Về tác động kích cầu tiêu dùng, tính riêng 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước dù mức tăng này chưa bằng mức tăng của cùng kỳ năm trước (9,7%). Thông qua việc kéo mặt bằng giá hàng hóa xuống, việc giảm thuế giá trị gia tăng đã hỗ trợ thị trường và gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp vì bán được nhiều hàng hóa hơn nhờ giá giảm, từ đó có điều kiện khôi phục sản xuất, mở rộng thị trường.
Đặc biệt, mặc dù giảm thuế nhưng Nhà nước vẫn bảo đảm nguồn thu, cân đối được ngân sách nhờ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 126% dự toán, tăng 13% so với năm liền trước; năm 2023 thu ngân sách đạt 108% dự toán. Riêng năm 2024, thu ngân sách dự kiến đạt trên 110% dự toán, tăng 6,8% so với năm 2023.
- Theo Nghị quyết số 174/2024/ QH15, Quốc hội chính thức đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ ngày 1-1-2025 đến hết ngày 30-6-2025. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
- Tôi cho rằng, việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực với thị trường và doanh nghiệp. Bởi thời điểm cuối năm 2024 và đầu năm 2025, dự báo tình hình thị trường còn nhiều khó khăn, nhất là thị trường quốc tế còn những biến động khó lường. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, chi phí sản xuất cao.
Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 được Chính phủ đưa ra khá cao, trên 7%. Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì thế, để đạt mục tiêu trên, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là với hoạt động xuất nhập khẩu.
Có nhiều ý kiến cho rằng, tại sao không áp dụng giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 mà chỉ đến tháng 6-2025. Theo tôi, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng có tính hai mặt. Một mặt hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, song mặt khác cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nên Nhà nước phải cân đối. Cơ quan chức năng đã có tính toán, phân tích kỹ và đề xuất kéo dài chính sách đến hết tháng 6-2025 là phù hợp.
- Vậy, theo ông cần làm gì để việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng mang lại hiệu quả cao nhất trong kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp?
- Mục đích quan trọng nhất của giảm thuế giá trị gia tăng là kích cầu tiêu dùng thông qua giảm giá hàng hóa trên thị trường. Vì vậy, khi áp dụng chính sách này, cơ quan chức năng như thuế, quản lý thị trường phải có biện pháp kiểm tra, giám sát để buộc doanh nghiệp, người bán hàng giảm giá bán lẻ hàng hóa, khi đó chính sách mới có tác dụng thực sự.
Trong các danh mục hàng hóa, dịch vụ, có loại được giảm thuế giá trị gia tăng, có loại không. Vì thế, việc thực hiện chính sách này đặt ra một số vấn đề về kỹ thuật thực hiện, cơ quan thuế cần có hướng dẫn kỹ, rõ ràng cho doanh nghiệp, cũng như người bán hàng dễ dàng áp dụng, đồng thời phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến doanh nghiệp, người bán hàng hiểu, tự giác thực hiện.
- Để kích cầu tiêu dùng, ngoài giảm thuế giá trị gia tăng, cần thực hiện những giải pháp nào khác, thưa ông?
- Tổng cầu của thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do đó ngoài việc giảm thuế, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kể cả tín dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; đặc biệt tín dụng tiêu dùng cần phải đẩy mạnh thông qua việc hỗ trợ người dân, tổ chức mua hàng.
Cùng với đó, ngành Công Thương cần vận động cộng đồng doanh nghiệp áp dụng nhiều hình thức, chương trình khuyến mại để doanh nghiệp hưởng ứng, giảm giá bán hàng, từ đó kích cầu tiêu dùng. Việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng rất quan trọng, bởi sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từ đó tác động lớn đến kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra, cần nghiên cứu khai thông thị trường, đặc biệt là thị trường cần lượng vốn lớn như bất động sản.
- Trân trọng cảm ơn ông!