Chính trị

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): Người khai sáng, tổ chức, giáo dục, rèn luyện quân đội

Thượng tá, Thạc sĩ Nguyễn Văn Khải 21/12/2024 - 06:24

Ra đời, lớn lên cùng phong trào cách mạng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tổ chức, giáo dục, rèn luyện; được nhân dân tin yêu, che chở, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã vượt qua khó khăn gian khổ, không ngừng lớn mạnh, càng đánh càng thắng.

Kỷ niệm 80 thành lập QĐND Việt Nam là dịp để nhớ về công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã khai sáng, tổ chức, giáo dục, rèn luyện quân đội ta.

z6122787260402_16ea8f4451e83e182a2abca7dd24d948.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu các đơn vị quân đội nhân dịp kỷ niệm lần thứ 13 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.(22-12-1957). Ảnh: TTXVN

1. Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chủ trì lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của QĐND Việt Nam ngày nay. Đội có 34 thành viên, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, đã tuyên thệ: “Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ ra mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc”.

Để có sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị từ rất sớm. Các tài liệu lịch sử đã chứng minh rằng, ngay từ các năm 1925 - 1927, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp đào tạo để chuẩn bị nguồn cán bộ cho cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc). Sau đó, chính Người đã giới thiệu đồng chí Lê Hồng Phong vào học Trường võ bị Hoàng Phố, rồi sang Liên Xô học Trường Đại học Phương Đông để làm nguồn cán bộ quân sự cho sau này, nhưng rất tiếc là người học trò thân tín ấy đã hy sinh khi tuổi đời còn trẻ.

Trong “Chánh cương vắn tắt” của Đảng, Người đã xác định “tổ chức ra quân đội công nông”. Người khẳng định: “Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự”. Tháng 10-1941, Người chỉ đạo mở lớp huấn luyện quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó để tiến tới thành lập đội vũ trang cách mạng. Tại đây, Người đã trực tiếp tham gia huấn luyện và biên soạn các tài liệu giảng dạy quân sự, như “Mười điều kỷ luật”, “Cách đánh du kích”, “Những hiểu biết cơ bản về quân sự”...

Trước khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân không lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một số đồng chí sang Trường võ bị Hoàng Phố học tập. Ngày thành lập, có một số đồng chí từ nước ngoài về muộn nên không tham gia buổi lễ tuyên thệ.

2. Sau khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời, những vấn đề lý luận về quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hệ thống, toàn diện và ngày càng hoàn thiện theo thời gian. Trong đó, nổi bật là lý luận xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng và tổ chức cũng như phát triển nghệ thuật quân sự. Người nhấn mạnh: “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của nhân dân. Đánh giặc để tranh lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ tự do hạnh phúc của nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, quân đội ta không có lợi ích nào khác”.

Ngay sau khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chăm lo xây dựng đội quân nhỏ bé ấy phát triển toàn diện về mọi mặt. Người chú trọng xác định bản chất quân đội. Đó là phải gắn bó máu thịt với nhân dân. Đó là quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt. Người nhấn mạnh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Người đặc biệt coi trọng xây dựng con người với phương châm “Người trước, súng sau”, tức là con người là nhân tố quyết định: “Vũ khí là cần những con người vác vũ khí, sử dụng vũ khí là quan trọng hơn”. Đây chính là những nhân tố quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp của quân đội ta trước mọi kẻ thù, trong mọi hoàn cảnh.

Trong tư tưởng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng 3 thứ quân: Vệ quốc quân (bộ đội chủ lực), bộ đội địa phương và dân quân du kích. Sau này, tư tưởng ấy đã phát triển, trở thành mô hình tổ chức quân sự độc đáo, sáng tạo của Đảng ta, phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Về nghệ thuật quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Nguyên tắc này tạo điều kiện thuận lợi cho phương châm lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh. Về chiến thuật, Người dạy: “Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”.

3. Thực tế cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo sát quá trình phát triển của QĐND Việt Nam. Những lần đến thăm các đơn vị quân đội, Người đều có những lời phát biểu động viên, sau này những lời ấy lại trở thành phương châm xây dựng, hành động với các cơ quan, đơn vị.

Đơn cử, ngày 28-3-1951, khi đến thăm cán bộ, chiến sĩ thuộc hai đại đội xe ô tô vận tải đầu tiên của quân đội ta ở làng Nà Roác, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, Bác đã căn dặn: “Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu”. Sau này, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vào tháng 8-1968, nhân dịp Tổng cục Hậu cần tổ chức hội nghị chiến sĩ lái xe giỏi và thợ sửa chữa xe giỏi toàn quân, Người đã tặng ngành xe quân sự cờ thêu 16 chữ vàng: “Yêu xe như con, quý xăng như máu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”. Đến nay, những lời trên là phương châm hành động của bộ đội vận tải.

Một ví dụ khác, sau chiến dịch Tây Bắc năm 1952, Bác Hồ trao tặng bộ đội công binh lá cờ thêu 4 chữ vàng “Mở đường thắng lợi”. Kể từ đó, “Mở đường thắng lợi” trở thành phương châm hành động của Binh chủng Công binh.

Có thể nói, mỗi quân, binh chủng trưởng thành như ngày nay đều có sự vun đắp, xây dựng của Bác. Đặc biệt, Bác rất quan tâm đến xây dựng mối đoàn kết trong quân đội. Bác dạy: “Tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên... Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt...”.

Có câu chuyện thật về việc Bác sửa tính nóng của một đồng chí cán bộ trung đoàn như sau: Biết tin có một đồng chí cán bộ trung đoàn từng làm giao thông, bảo vệ Bác đi ra nước ngoài trước Cách mạng Tháng Tám hay quát mắng chiến sĩ. Bác đã cho gọi đồng chí ấy lên Việt Bắc. Bác dặn trạm đón tiếp, nếu đồng chí này đến sớm thì phải giữ lại đến trưa mới cho vào gặp Bác.

Khi đồng chí này vào thì được Bác mời uống cốc nước nóng vừa mới rót, bốc hơi nghi ngút để cạnh cốc nước nguội, rồi Bác nghiêm dạy rằng: “Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn”. Hiểu ý giáo dục của Bác, đồng chí cán bộ nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dõi theo mỗi bước trưởng thành của quân đội, cổ vũ, động viên cán bộ và chiến sĩ. Người viết thư thăm hỏi, động viên, đồng cảm trước những mất mát, hy sinh của các thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ... Người cũng dành huy hiệu, những phần quà, cả cuốn sổ tiết kiệm của mình tặng các chiến sĩ... Những lời dạy của Người với lực lượng vũ trang vẫn còn nguyên giá trị, mang tính định hướng xây dựng quân đội hiện đại.