Trạm trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường tại huyện Hoài Đức: Cần xử lý dứt điểm vi phạm
Thời gian qua, UBND huyện Hoài Đức đã tăng cường kiểm tra, xử lý những trạm trộn vi phạm, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều trạm trộn gây ô nhiêm môi trường và bức xúc trong dư luận.
Trên địa bàn huyện Hoài Đức hiện vẫn còn một số trạm trộn bê tông không có giấy phép môi trường hoặc các hồ sơ về môi trường tương đương theo quy định; nước thải có thông số PH vượt quy chuẩn về nước thải công nghiệp; các đơn vị này không ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp theo quy định…
Nhiều trạm trộn bê tông vi phạm
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức, tính đến thời điểm này, toàn huyện có khoảng 10 trạm trộn bê tông đang hoạt động. Trong đó, có 4 trạm đang hoạt động trong Cụm công nghiệp Lại Yên (xã Lại Yên); 2 trạm ở Cụm công nghiệp An Khánh (xã An Khánh); 1 trạm ở Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (xã Kim Chung)… Hầu hết các trạm đều chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.
Bà Lê Hoài Hương (Khu đô thị Bắc An Khánh, xã An Khánh, Hoài Đức) bức xúc cho biết, 2 trạm trộn bê tông tại Cụm công nghiệp An Khánh thường xuyên kéo lê bụi bẩn ra đường gom Đại lộ Thăng Long, làm hỏng đường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Thế nhưng đến nay cả hai trạm vẫn hoạt động dù cử tri xã An Khánh nhiều lần kiến nghị cần xử lý nghiêm. Còn ông Nguyễn Đình Đại (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức) cho hay, từ nhiều năm nay, trạm trộn bê tông Minh Tâm An Khánh ở Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch thường xuyên xả nước thải trực tiếp ra hệ thống cống và khu vực quanh trạm. Xe chở bê tông, bã thải bê tông… từ trạm trộn ra ngoài đã kéo theo nhiều bụi bẩn vương vãi ra Quốc lộ 32 gây ô nhiễm.
Trước thực trạng các trạm trộn bê tông trên địa bàn chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, UBND huyện Hoài Đức đã thường xuyên chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chủ trì, phối hợp kiểm tra, xử phạt các trạm trộn vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức Lê Danh Trường thông tin, trong năm 2023, huyện đã kiểm tra và xử phạt 3 trạm trộn bê tông thuộc 3 công ty ở Cụm công nghiệp An Khánh và Cụm công nghiệp xã Lại Yên với tổng số tiền 195 triệu đồng vì không có giấy phép môi trường hoặc các hồ sơ về môi trường tương đương theo quy định. Trong năm 2024, huyện tiếp tục kiểm tra, xử phạt trạm trộn bê tông thuộc Công ty TNHH bê tông Minh Tâm An Khánh (Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch) 125 triệu đồng do các vi phạm về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, huyện cũng tiến hành kiểm tra trạm trộn bê tông AB (xã Vân Canh) và hiện đang hoàn thiện các thủ tục để xử phạt theo quy định.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Thực tế cho thấy, hầu hết các trạm trộn bê tông hoạt động trên địa bàn huyện Hoài Đức đã bị xử phạt do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, song việc khắc phục lỗi vi phạm thường chậm, hoặc không thể khắc phục. Đơn cử, 3 trạm trộn bị xử phạt trong năm 2023 với hành vi không có giấy phép môi trường hoặc các hồ sơ về môi trường tương đương thì đến nay cả 3 đơn vị đều chưa được cấp giấy phép môi trường. Riêng Công ty TNHH bê tông Minh Tâm An Khánh, ngày 12-8-2024, UBND huyện Hoài Đức đã ban hành quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu đơn vị này tạm dừng hoạt động, buộc phải xây dựng công trình xử lý nước thải…; chỉ được xả nước thải ra môi trường khi có sự đồng ý bằng văn bản của UBND huyện Hoài Đức. Thế nhưng sau 4 tháng, việc khắc phục các lỗi vi phạm vẫn chưa xong.
Để công tác xử lý vi phạm được nghiêm minh, kịp thời, đồng thời ngăn chặn vi phạm tái diễn, UBND huyện Hoài Đức đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp tái kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại các đơn vị. Cụ thể, tại Công ty TNHH bê tông Minh Tâm An Khánh, sau khi bị xử phạt, đơn vị này vẫn cố tình hoạt động, xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. “Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tham mưu với UBND huyện ban hành quyết định kiểm tra, chỉ đạo ngừng cấp điện, đặt chốt chặn không cho phương tiện ra vào trạm trộn này. Đến nay, trạm trộn bê tông Minh Tâm An Khánh đã ngừng hoạt động”, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức Cao Văn Tâm cho biết.
Theo chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức Lê Danh Trường, khó khăn nhất trong quản lý các trạm trộn bê tông trên địa bàn huyện Hoài Đức hiện nay là hầu hết các trạm đều không đủ điều kiện cấp phép xây dựng, điều này đồng nghĩa với việc khó hoàn thiện thủ tục hồ sơ về môi trường. Ngoài ra, một số trạm trộn thường xuyên thay đổi chủ. Thủ tục cắt điện, cắt nước đối với các trạm trộn vi phạm chưa có hướng dẫn cụ thể… khiến việc triển khai gặp lúng túng.
“Để quản lý và có cơ sở xử lý vi phạm, thành phố nên nghiên cứu cấp phép tạm cho một số trạm trộn bê tông trên địa bàn đủ điều kiện, đồng thời có hướng dẫn cụ thể việc cắt điện, cắt nước đối với trạm trộn cố tình vi phạm... Có như vậy, công tác quản lý các trạm trộn bê tông mới đi vào nền nếp, khắc phục triệt để vi phạm”, ông Lê Danh Trường nhấn mạnh.