Phát huy trí tuệ đội ngũ trí thức khoa học công nghệ phát triển Thủ đô trong kỷ nguyên mới
Ngày 19-12 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố tổ chức hội thảo khoa học “Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ mới”.
Đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các Viện nghiên cứu, trường đại học, Sở ngành trên địa bàn TP Hà Nội, cùng đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quý trọng hiền tài và đội ngũ trí thức và khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của nhân tài trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Với Hà Nội - trái tim của cả nước, nơi tập trung đội ngũ trí thức lớn nhất cả nước cũng là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, trong giai đoạn vừa qua, Hà Nội đã đạt được một số kết quả nổi bật. Đặc biệt, TP đã triển khai 3 nhiệm vụ rất quan trọng là: Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua với nhiều cơ chế chính sách mới đặc thù mang tính đột phá cho xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Để xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ xứng tầm với Thủ đô trong giai đoạn mới, cũng như một số nhiệm vụ, sản phẩm trọng điểm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội Thủ đô, Thành phố rất cần sự vào cuộc và đóng góp ý tưởng kiến tạo, tiên phong của các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức trong việc cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi), đưa ra các giải pháp giải quyết các thách thức lớn mà Thủ đô và đất nước đang phải đối mặt.
Cũng kỳ vọng vào sự đóng góp của đội ngũ tri thức, nhà khoa học với sự nghiệp phát triển Thủ đô, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia cùng tập trung thảo luận về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khai thác tối đa tiềm năng của đội ngũ trí thức, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội một cách bền vững và hiệu quả,
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khai thác tối đa tiềm năng của đội ngũ trí thức nhân dịp Luật Thủ đô (sửa đổi) sắp có hiệu lực, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội một cách bền vững và hiệu quả.
Với vai trò là nơi đào nguồn nhân lực chất lượng cao, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội mong muốn thành phố có chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, giảm thuế, cải thiện cơ sở hạ tầng, cung cấp nhân lực trình độ cao, khuyến khích đầu tư nghiên cứu và công nghệ sáng tạo... Trong đó tập trung cụ thể vào nâng cao cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đầu tư đặt hàng đào tạo một số ngành, lĩnh vực chuyên biệt, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo một số lĩnh vực mũi nhọn...; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đặc biệt là xây dựng các Quỹ đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố kết hợp đầu tư cùng Các quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp, chú trọng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên giúp phát triển khoa học công nghệ. Ngoài ra, nhà trường cũng đề nghị Thành phố ưu tiên các hoạt động hợp tác nghiên cứu, chuyển giao, phát triển mô hình hợp tác Đại học nghiên cứu và doanh nghiệp, quyết định về vị trí, vai trò của Đại học Bách khoa Hà Nội trong hoạt động của Vườn ươm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô nói riêng, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói chung.
Theo Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính, để Hà Nội có GRDP tăng 8,0 - 8,5%/năm (giai đoạn 2026 – 2030); GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD; đến năm 2045, GRDP/người đạt trên 36.000 USD như Nghị quyết của Đảng đề ra thì chuyển đổi số, chuyển đổi trí tuệ nhân tạo (AI) chính là cơ hội đưa Thủ đô vươn lên trở thành một thành phố hiện đại, thông minh và bền vững, bứt phá dẫn đầu trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Muốn phát triển công nghiệp số và chuyển đổi số, chuyển đổi AI, Hà Nội cần có chính sách đối với vấn đề này như: Hỗ trợ để đội ngũ tri thức đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô phát huy hết năng lực và kiến thức của mình; hỗ trợ các chuyên gia có uy tín trên thế giới đến làm việc và cống hiến cho Thủ đô… Hà Nội cũng cần đặt mục tiêu là trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của thế giới, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thành lập trung tâm R&D phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để làm được điều đó, Hà Nội cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện một số khu R&D lớn để thu hút các nhà đầu tư, viện nghiên cứu, trường đại học trên thế giới mở phân hiệu tại Việt Nam.