Xe++

Viễn cảnh Honda - Nissan sau sáp nhập

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 19/12/2024 - 11:59

Việc Honda và Nissan thắt chặt hợp tác không chỉ cần thiết để đối phó áp lực cạnh tranh và những khó khăn trước mắt, mà còn là cơ hội khởi tạo một thế lực mới trong ngành ô tô toàn cầu.

car05429-enhanced-nr.jpg
Siêu xe điện hơn 1.300 mã lực được Nissan trưng bày tại Japan Mobility Show. Ảnh: Hoàng Linh

Quyết định hợp tác bất ngờ
Truyền thông Nhật Bản ngày 18-12 đã gây bất ngờ khi cho biết hai hãng ô tô hàng đầu Nhật Bản là Honda và Nissan đang xúc tiến thảo luận tiến tới sáp nhập, hoạt động dưới một thực thể chung là công ty cổ phần. Cùng ngày, một người phát ngôn của Honda xác nhận đang thảo luận về lối đi mới, cho biết "chúng tôi đang bàn bạc các khả năng hợp tác trong tương lai giữa Honda và Nissan trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả những nội dung trong báo cáo, nhưng hiện tại chưa có quyết định chính thức”. Phía Nissan cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

Trao đổi với phóng viên, một số lãnh đạo cấp cao của Honda và Nissan tại Nhật Bản chung nhận định, Honda là hãng xe lớn nhất trong số ba tên tuổi, có khả năng sẽ là “thuyền trưởng” định hình tương lai của mối quan hệ một khi việc sáp nhập hoàn tất.

Đáng chú ý là việc trong thực thể mới, có thể có cả Mitsubishi. Nissan vẫn đang là cổ đông chi phối, sở hữu 34% cổ phần của Mitsubishi.

Lối đi tất yếu

Dù gây bất ngờ do được công bố vào thời điểm cuối năm nhạy cảm, quyết định bắt tay Honda - Nissan là điều được giới chuyên môn dự báo từ lâu. Một trong những động lực chính cho cách tiếp cận này xuất phát từ áp lực trước sự phát triển mạnh mẽ của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, đặc biệt là BYD.

Trung Quốc cũng đã vượt Nhật Bản trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới vào năm 2023, trong khi cả Honda và Nissan đều đang mất thị phần tại nền kinh tế số 1 châu Á, cũng là thị trường chiếm gần 70% doanh số xe điện toàn cầu (tháng 11-2024).

Trong khi đó, mọi thứ đối với Nissan từ lâu đã không mấy tốt đẹp. Theo báo cáo kinh doanh, hầu hết các đại lý lúc này đều thua lỗ trong khi sản xuất phải giảm tốc. Năm 2023, Nissan chỉ bán được 3,4 triệu xe, giảm mạnh so với mốc 4,9 triệu vào năm 2019 (trước đại dịch Covid). Lợi nhuận hoạt động của Nissan giảm 85% trong quý III-2024, với khoản lỗ ròng 9,3 tỷ yên (tương đương 60,1 triệu USD theo tỷ giá hối đoái hiện nay). Thậm chí, hai giám đốc điều hành giấu tên của Nissan mới đây còn chia sẻ rằng, hãng này có thể chỉ tồn tại trong khoảng “12 đến 14 tháng tới”, và đang rất cần một nhà đầu tư dài hạn mới.

Honda và Nissan - lần lượt là nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai và thứ ba Nhật Bản còn có tham vọng xác lập chỗ đứng trong thị trường xe điện. Honda vừa qua đã công bố kế hoạch tăng gấp đôi đầu tư vào xe điện - lên 65 tỷ USD tới năm 2030, nhằm mục tiêu 100% doanh số là xe điện vào năm 2040. Trong 3 năm tới, Nissan cũng dự định ra mắt 16 xe điện trong tổng số 30 mẫu xe mới.

car05369-enhanced-nr.jpg
Sở trường của Honda và Nissan có thể bổ trợ cho nhau hết sức hiệu quả. Ảnh: Hoàng Linh.

Trong bối cảnh đó, mối lương duyên Honda - Nissan rõ ràng rất khả quan, nhất là khi xét đến đặc thù “đồng hương” và sự hợp tác ngày càng chặt chẽ. Hồi tháng 3-2024, hai bên cũng đã ký kết hợp tác dài hạn trong lĩnh vực xe điện. Mặt khác, Renault gần đây cũng đang xem xét bán một phần cổ phần của mình cho Honda trong nỗ lực tái cấu trúc liên minh đã kéo dài 25 năm với Nissan.

Hiệu ứng tích cực
Theo các nhà quan sát, việc sáp nhập Nissan - Honda là một hướng đi tích cực, ít nhất là trên phương diện các con số. Đứng cùng nhau, hai nhà sản xuất Nhật Bản sẽ tạo ra một thực thể mới trong ngành công nghiệp ô tô với doanh số năm 2023 lên tới 7,3 triệu xe – tức nhiều hơn cả bộ đôi Hyundai - KIA hiện nay. Mức mới cũng có thể sánh ngang với Toyota (11,2 triệu xe), Volkswagen (9,2 triệu xe). Với kịch bản “gom” thêm Mitsubishi (bán ra 815.000 xe trong năm 2023), lượng xe bán ra của bộ ba Honda-Nissan-Mitsubishi còn cao hơn.

Nếu tính toán dựa trên vốn hóa thị trường của cả ba nhà sản xuất, thực thể mới sẽ có trị giá khoảng 55 tỷ USD.

car05357-enhanced-nr.jpg
Ngoài ô tô và xe máy, Honda còn có tiềm lực lớn về robot và máy bay. Ảnh: Hoàng Linh.

Việc hợp tác cũng sẽ giúp các nhà sản xuất nói trên tăng quy mô để cạnh tranh với các đối thủ đang dẫn đầu thị trường, như Toyota hay Volkswagen AG. Bản thân Toyota lâu nay đã có quan hệ đối tác ở tầm "liên minh" với Mazda và Subaru. Trong khi đó, Volkswagen có thể xem là lá cờ đầu dẫn dắt ngành công nghiệp ô tô châu Âu với những tên tuổi lớn dưới trướng như Audi, Porsche, Skoda...

Về địa bàn hoạt động, các hãng cũng không dẫm chân lên nhau. Có thông tin cho biết, Honda vẫn giữ quy mô toàn cầu trong khi Nissan chuyển hướng chỉ tập trung vào các thị trường phát triển tại châu Á. Về phần mình, Mitsubishi nếu góp mặt sẽ tập trung vào thị trường 650 triệu dân tại Đông Nam Á - vốn là sân chơi sở trường của hãng lúc này.

Thực tế, ngay sau khi thông tin về thương vụ sáp nhập được tiết lộ, cổ phiếu của Nissan tại sàn giao dịch Tokyo (Nhật Bản) đã tăng vọt 24%, trong khi cổ phiếu Renault tại sàn giao dịch châu Âu cũng tăng 5,5%. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy tiềm năng lớn của vụ sáp nhập. Tuy nhiên, việc giá cổ phiếu Honda giảm 3% cũng cho thấy vụ sáp nhập được đánh giá tiềm ẩn rủi ro nhất định đối với hãng này.

Về phần mình, Renault cũng được cho là sẽ có lợi khi việc sáp nhập diễn ra. Hiện nay, hãng xe Pháp sở hữu 36% cổ phần của Nissan. Ở chiều ngược lại, Nissan hiện sở hữu 15% cổ phần biểu quyết trong Renault.

car-sales-2023-top-car-brands.jpg
Số ô tô bán ra toàn cầu cao của Honda và Nissan trong năm 2023 vượt xa Hyundai-KIA. Ảnh: Hoàng Linh

Vẫn có rủi ro
Tuy nhiên, không có con đường nào rải toàn hoa hồng. “Honda không mấy thành công trong việc hợp tác với một bên khác” - một nhân sự cấp cao giấu tên tại Honda Nhật Bản chia sẻ với phóng viên, trong đó đề cập tới quan hệ của hãng xe Nhật Bản với Rover và General Motors (GM).

Năm 2023, Honda và GM đã thông báo hủy kế hoạch hợp tác phát triển xe điện giá rẻ, chỉ sau 1 năm công bố nỗ lực trị giá 5 tỷ USD nhằm vượt mặt Tesla. Đại diện Honda khi đó nêu rõ: "Sau khi tiến hành một số nghiên cứu và phân tích, cả hai bên đã quyết định kết thúc quá trình hợp tác phát triển. Mỗi công ty sẽ vẫn tiếp tục cung cấp các mẫu xe giá rẻ cho thị trường xe điện”.

Quan điểm tương tự được nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp ô tô quốc tế thừa nhận. Theo cựu lãnh đạo liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi, ông Carlos Ghosn, việc Honda và Nissan có thể “ngọt ngào” với nhau là khó hình dung nổi, “trừ khi đó là một cuộc thâu tóm, một cuộc thâu tóm ngầm của Honda đối với Nissan và Mitsubishi dưới danh nghĩa Honda ở vị trí dẫn dắt"”.

Thành công của liên minh Honda - Nissan đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, tập trung vào việc phát huy các lợi thế kết hợp.

Carlos Ghosn - cựu Chủ tịch Nissan - Renault - Mitsubishi

Trong khi đó, sức cạnh tranh của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản trong bối cảnh mới của ngành công nghiệp ô tô vẫn là dấu hỏi lớn. Ngoại trừ Toyota vẫn đang duy trì phong độ với những thế mạnh sẵn có, cơ bản các tên tuổi còn lại đều gặp khó khăn, nhất là trong lĩnh vực xe điện.

Một số chuyên gia kinh tế cũng nhận định, nếu Honda và Nissan hợp nhất, sẽ đối mặt sự giám sát chặt chẽ từ Chính phủ Mỹ.

Tuy nhiều thách thức phía trước, không thể phủ nhận rằng nếu việc sáp nhập thành công, đây không chỉ là bước ngoặt lớn cho Honda và Nissan mà còn là đợt tái cấu trúc sâu rộng trong ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. Động thái này cũng mở đường để các nhà sản xuất ô tô cũng như chuỗi cung ứng của họ tại Đảo quốc mặt trời mọc duy trì vị trí trên thị trường quốc tế, đối đầu với những thách thức ngày càng lớn từ các đối thủ.