Y tế

Tầm soát sớm giúp chữa lành ung thư phổi

Thu Trang 19/12/2024 - 07:08

Tại nước ta, ung thư phổi có tỷ lệ mắc và tử vong cao thứ hai, chỉ sau ung thư gan. Điều đáng nói, ung thư phổi ngày càng trẻ hóa nhưng dấu hiệu khởi phát bệnh lại mờ nhạt, khó nhận biết.

Vì vậy, có tới hơn 70% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, làm giảm hiệu quả điều trị. Thực tế đó cho thấy, việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư phổi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp nâng cao tỷ lệ điều trị thành công.

bac-si-trung-tam-ho-hap-benh-vien-bach-mai-tu-van-kham-sang-loc-ung-thu-phoi-cho-nguoi-dan.-anh-trang-thu.jpg
Bác sĩ Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) tư vấn, khám sàng lọc ung thư phổi cho người dân. Ảnh: Trang Thu

Chỉ 25% người bệnh được phát hiện sớm

Không có bất cứ dấu hiệu nào bất thường về sức khỏe, nhưng khi đi khám sức khỏe định kỳ, bệnh nhân N.T.A (58 tuổi ở Hà Nội) bất ngờ khi trên phim chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) phát hiện một khối u nhỏ chỉ 7mm trong phổi. Sau đó, bệnh nhân được sinh thiết và có kết quả ung thư phổi giai đoạn đầu. May mắn, bệnh nhân phát hiện sớm, chưa có dấu hiệu di căn nên tiên lượng điều trị khỏi và kéo dài sự sống trên 5 năm ở mức cao.

Theo thống kê của Tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan), tại Việt Nam, có gần 25.000 người mắc mới và hơn 22.000 người tử vong do ung thư phổi mỗi năm, cao thứ hai sau ung thư gan. Điều đáng lo ngại là ung thư phổi không có triệu chứng đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường. Nhiều người chỉ phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn tiến triển, di căn và chỉ khoảng 25-30% người mắc được phát hiện ở giai đoạn sớm.

Riêng tại Bệnh viện K, trung bình mỗi năm có hàng nghìn bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi. Tuy nhiên, tại thời điểm chẩn đoán, trên 70% ca bệnh đã tiến triển hoặc di căn. Đặc biệt, trước đây, lứa tuổi mắc ung thư phổi thường ở độ tuổi ngoài 50 thì nay đã ghi nhận nhiều người trẻ mắc ung thư phổi mới 15 tuổi, 25 tuổi. Gần như tất cả các trường hợp mắc ung thư phổi đều liên quan đến hút thuốc lá.

Trước xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa của ung thư phổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, khoảng cách giữa số ca mắc và tử vong do ung thư phổi rất ngắn đã minh chứng rõ nét về mức độ ác tính của loại ung thư này. Quan trọng hơn là có đến hơn 70% người bệnh đi khám khi đã ở giai đoạn muộn. Trong khi đó, nếu phát hiện sớm, chỉ cần phẫu thuật với chi phí điều trị thấp, bệnh nhân tăng cơ hội sống. Nhưng nếu phát hiện từ giai đoạn 2 trở đi, phải điều trị kết hợp thuốc, phẫu thuật, hóa trị, xạ trị với chi phí tăng gấp bội.

Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện K), Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng Nguyễn Bá Tĩnh cho biết thêm, giống ung thư phổi, trước đây, tỷ lệ chẩn đoán phát hiện sớm ung thư vú cũng chỉ từ 25% đến 30%. Thế nhưng, nhờ công tác truyền thông đến cộng đồng, những năm gần đây, tỷ lệ phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm đã tăng lên 70-80%. Vì vậy, việc tổ chức các chiến dịch sàng lọc, truyền thông sẽ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về ung thư phổi. Qua đó, người dân chủ động tìm hiểu, thực hiện thói quen khám tầm soát để phát hiện sớm ung thư phổi.

Những ai cần tầm soát ung thư phổi?

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh ung thư phổi, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) đã phát động chiến dịch truyền thông “Thương phổi” kéo dài 3 năm (2023-2026). Mới đây, tại Khu đô thị Ecopark (tỉnh Hưng Yên), chương trình này đã triển khai khám sàng lọc bệnh hô hấp và ung thư phổi cho gần 500 người dân trong độ tuổi từ 50 tuổi trở lên và từ 40 tuổi có nguy cơ cao như: Hút thuốc lá lâu năm, có người thân mắc ung thư phổi...

Lần đầu tiên khám tầm soát ung thư phổi, bà Nguyễn Thị Thiệu (65 tuổi ở Hưng Yên) phấn khởi khi được các bác sĩ của Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội thăm khám và còn được chia sẻ những thông tin hữu ích về chăm sóc sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư.

Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng Nguyễn Bá Tĩnh chia sẻ, với sự tiến bộ của y học, ung thư sẽ không khó chữa nếu phát hiện sớm, kể cả ung phổi. Điều quan trọng là khám sàng lọc, phát hiện sớm. Do đó, chiến dịch “Thương phổi” mong muốn truyền tải đến người dân về ý nghĩa đặc biệt quan trọng của việc tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi.

“Khi có các dấu hiệu như: Ho kéo dài, đau tức ngực, khàn giọng kéo dài, thở khò khè, khó thở, cân nặng giảm bất thường…, nhất là với những người hút thuốc lá, có người thân mắc ung thư phổi, người dân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám”, ông Nguyễn Bá Tĩnh lưu ý.

Để dự phòng ung thư phổi, các chuyên gia Bệnh viện K khuyến cáo, yếu tố quan trọng nhất là không hút thuốc lá và khám sức khỏe định kỳ, tầm soát phát hiện sớm căn bệnh này. Ngoài ra, việc giữ thói quen sinh hoạt khoa học, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp vận động, tập luyện thể thao đều đặn, cải thiện vệ sinh môi trường và tránh tiếp xúc với khói bụi cũng là biện pháp ngăn ngừa ung thư phổi hiệu quả. Đặc biệt, ở những khu vực có tỷ lệ ô nhiễm không khí cao, người dân nên đeo khẩu trang và quần áo che kín vùng đầu khi đi ra ngoài. Cùng với đó là vệ sinh sạch sẽ nhà ở và phòng ngủ thường xuyên, có thể lắp đặt máy lọc không khí trong nhà, trồng thêm nhiều cây xanh...