Ứng dụng công nghệ vật lý số để phát triển sản phẩm văn hóa Cố đô Huế
“Đế đô khảo cổ ký” là dự án kết hợp giữa di sản văn hóa Cố đô Huế và giải pháp công nghệ định danh Nomion với chíp NFC, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị.
Ngày 18-12, startup công nghệ Phygital Labs phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và đối tác giới thiệu dự án và ra mắt khu vực trải nghiệm “Đế đô khảo cổ ký” tại Đại nội Huế.
Dự án “Đế đô khảo cổ ký” lấy cảm hứng từ đại hồng chung (chuông) chùa Thiên Mụ do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc năm 1710; khẩu hạ (1 trong cửu vị thần công) được vua Gia Long cho đúc năm 1803; cao đỉnh (1 trong Cửu Đỉnh) vua Minh Mạng lệnh đúc năm 1835; ngai vàng của Vương triều Nguyễn (1 trong 3 chiếc còn được lưu giữ và bảo tồn ở Huế).
Các sản phẩm được đóng gói dưới 2 phiên bản. Phiên bản trải nghiệm khảo cổ, sản phẩm được bọc trong lớp thạch cao cùng dụng cụ giả lập, để khám phá trực tiếp tại địa điểm. Phiên bản phổ thông, sản phẩm được đóng gói bằng bao bì thông thường, phù hợp làm quà tặng, gửi qua đường bưu điện.
Mỗi sản phẩm được gắn chíp định danh Nomion, dựa trên công nghệ NFC, giúp xác thực nguồn gốc, bảo vệ bản quyền, và tạo ra cầu nối giữa sản phẩm vật lý và không gian số. Trong không gian trải nghiệm, khách tham quan sẽ được tận tay khám phá các bảo vật từ những khối thạch cao giả lập và tìm hiểu câu chuyện lịch sử.
Trong khuôn khổ sự kiện, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Phigital Labs tổ chức tọa đàm “Khai thác bản quyền di sản - Hướng đi bền vững phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam”.