Bài 3: Tiếp nước cho sông Tô Lịch

Đô thị - Ngày đăng : 17:44, 18/12/2024

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm gợi ý 2 vấn đề Hà Nội cần quan tâm, trong đó, nhiệm vụ trước mắt là xử lý ô nhiễm nguồn nước các con sông nội đô, nhất là sông Tô Lịch.
cover-bai-3-song-to-lich.jpg

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm gợi ý hai vấn đề Hà Nội cần quan tâm, đó là ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là xử lý ô nhiễm nguồn nước các con sông nội đô, nhất là sông Tô Lịch. Thực hiện nhiệm vụ này, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị cấp bách triển khai các giải pháp tiếp nước cho sông Tô Lịch để dòng sông trong xanh trở lại.

tit-phu-1-b3.jpg

Để “hồi sinh” sông Tô Lịch đòi hỏi thành phố triển khai đồng bộ giải pháp. Theo các nhà khoa học, thành phố đầu tư Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá là giải pháp quan trọng để giảm nguồn gây ô nhiễm chính cho dòng sông. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Chín, Viện trưởng Viện Tài nguyên nước, Trường Đại học Thủy Lợi, khi đi vào hoạt động, hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có thể xử lý 70% lượng nước thải của toàn thành phố. Hà Nội đang có bước đi đúng hướng trong hồi sinh các con sông.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội, Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá bị chậm tiến độ. Dự án có 4 gói thầu xây lắp chính, tháng 12-2024, gói thầu số 1 - xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000m3/ngày đêm hoàn thành 100% khối lượng công việc; gói thầu số 2 - xây dựng hệ thống cống bao sông Tô Lịch và cống chính đạt khoảng 98% so với hợp đồng và đang được chủ đầu tư vận hành thử nghiệm với công suất xử lý đạt 100.000m3/ngày đêm. GĐối với gói thầu số 3, số 4 bị chậm tiến độ do gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, năng lực nhà thầu hạn chế… Hiện tại, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội đang tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Công nhân liên danh Công ty cổ phần Xây dựng thương mại An Xuân Thịnh - Công ty cổ phần Sông Đà 9 khẩn trương thi công hệ thống cống ngầm thu gom nước thải khu vực quận Hà Đông. Video: Hoàng Sơn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm trên sông Tô Lịch, thành phố Hà Nội phải hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải bảo đảm đồng bộ, thực chất, tránh việc để nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá là nhiệm vụ cấp bách, nhằm triệt tiêu nguồn nước thải chảy vào hệ thống sông Tô Lịch. Sau đó, triển khai các biện pháp công trình khác bổ cập nước sạch, tạo dòng chảy cho dòng sông.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội Hoàng Trọng Tùng cho biết: "Việc “hồi sinh" sông Tô Lịch được lãnh đạo thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã kiến nghị UBND thành phố nghiên cứu phương án bổ cập nước sông Hồng vào hồ Tây. Sau đó, bổ cập nước từ hồ Tây về sông Tô Lịch bằng đường ống riêng tách biệt. Với phương án này, khoảng 6 tháng là có nước sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch".

tit-phu-2-b3.jpg

Để sớm trả lại sự trong xanh cho sông Tô Lịch theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, mới đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã trực tiếp đi khảo sát dọc tuyến sông Tô Lịch và đưa ra các giải pháp cấp bách “hồi sinh” dòng sông này.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành, Ban Quản lý dự án và các địa phương làm nhanh đường ống ngầm dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đưa ra thời hạn 3 tháng để các đơn vị hoàn thiện thủ tục đầu tư và 6 tháng tổ chức thi công dự án.

“Trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào, đến ngày 2-9-2025, các đơn vị được giao nhiệm vụ phải tính toán, thực hiện đưa nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, đồng thời, lưu ý, trong quá trình thực hiện phải đặc biệt chú ý phương án bảo vệ môi trường, hệ sinh thái hồ Tây.

Hà Nội lấy nước sông Hồng “hồi sinh” sông Tô Lịch như thế nào?

Gợi mở về cách làm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất, việc lấy nước từ sông Hồng về hồ Tây nên có hai đường ống. Một đường bổ cập cho hồ Tây khi cần thiết; đường còn lại thường xuyên bổ cập nước cho sông Tô Lịch, chạy độc lập bằng ống thép, đi ngầm dưới lòng hồ, bơm thẳng vào sông Tô Lịch để không pha loãng nước hồ Tây.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, ngoài xem xét triển khai khẩn cấp dự án “hồi sinh” sông Tô Lịch, thành phố cũng xem xét bố trí nguồn lực với mục tiêu làm sống lại các con sông: Nhuệ, Tích, Lừ, Sét, Kim Ngưu... Tới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sẽ làm việc với các ngành để rà soát lại giải pháp triển khai.

Như vậy, với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo thành phố, các sở, ngành liên quan, chậm nhất đến ngày 2-9-2025, sông Tô Lịch sẽ đón nguồn nước sạch từ sông Hồng chảy vào. Kỳ vọng “hồi sinh” dòng sông Tô Lịch sẽ thành hiện thực, đáp ứng mong mỏi của hàng triệu người dân Thủ đô.

Bài viết: Hoàng Sơn
Ảnh - video: Hoàng Sơn - Hữu Tiệp và CTV
Thiết kế: Hữu Tiệp

Hoàng Sơn