Thành phố Hồ Chí Minh: Tiếp nhận giải quyết 461 vụ lừa đảo trên mạng gây thiệt hại 982 tỷ đồng
Theo Chainalysis, từ năm 2019-2024, khoảng gần 100 tỷ USD tiền mã hoá bất hợp pháp đã được "rửa" thông qua các dịch vụ chuyển đổi. Riêng năm 2022, số tiền "rửa" qua hoạt động này đã lên 31,5 tỷ USD, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường giám sát, quản lý…
Ngày 18-12, Ban Chuyên đề Công an thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nâng cao năng lực phòng chống tội phạm tài chính trên không gian mạng” với hơn 200 đại biểu tham dự.
Phát biểu khai mạc, Đại tá Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, tọa đàm nhằm nhận diện rõ hơn các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trong lĩnh vực tài chính, công nghệ cao, qua đó đưa ra các biện pháp khuyến cáo, phòng ngừa đối với người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, làm rõ thêm sự cần thiết, tính cấp bách đối với việc ban hành, sửa đổi một số chính sách, quy định liên quan để đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc, đủ mạnh, khả thi, giúp ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm trong lĩnh vực tài chính, công nghệ cao. Đặc biệt, nâng cao nhận thức cộng đồng về lừa đảo trực tuyến, tăng cường ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân và xây dựng mạng lưới liên kết giữa các tổ chức trong quá trình điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc.
Thông tin tại tọa đàm, Thượng tá Đới Ngọc Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, Công an thành phố đã tiếp nhận, thụ lý 461 vụ lừa đảo trên không gian mạng với số tiền thiệt hại rất lớn, lên đến khoảng 982 tỷ đồng. Các phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến là giả danh cơ quan chức năng (công an, viện kiểm sát, tòa án, thuế, bưu điện…) thông báo liên quan đến các đường dây tội phạm mua bán ma túy, rửa tiền (18 vụ); yêu cầu bị hại đăng nhập vào các trang dịch vụ công trực tuyến để thay đổi thông tin cá nhân sau đó xâm nhập, lấy cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản (53 vụ); hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc mời gọi đầu tư tiền vào các sàn giao dịch chứng khoán, sàn tiền ảo, sàn ngoại hối (102 vụ); hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc hack các tài khoản mạng xã hội và giả làm người thân của bị hại, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định (21 vụ)…
Theo Thượng tá Đới Ngọc Thắng, thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ngân hàng với cơ quan công an để phong tỏa, ngăn chặn ngay tài khoản mà bị hại chuyển tiền và tiến hành ngay các biện pháp truy xét. Đồng thời, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, tự biết bảo vệ mình, bớt hám lợi để tránh sập bẫy lừa đảo.
Còn ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam thông tin, số liệu từ Chainalysis cho thấy trong vòng 5 năm, từ năm 2019-2024, khoảng gần 100 tỷ USD tiền mã hoá bất hợp pháp đã được rửa thông qua các dịch vụ chuyển đổi. Riêng năm 2022, hoạt động rửa tiền này đã lên cao nhất, tới 31,5 tỷ USD, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường giám sát, quản lý.
Tại Việt Nam nhiều đơn vị không rõ thông tin như: CrossFi, Mineplex, BOM Network... liên tiếp tổ chức các hội thảo kín, lợi dụng hình ảnh những nhân vật có ảnh hưởng nhằm huy động vốn từ cộng đồng. Nhiều báo cáo từ người dùng gửi về ChainTracer cho biết việc họ bị lừa đảo thông qua việc gửi, nạp tiền lên các nền tảng sàn giao dịch, ví không rõ thông tin.
Các sàn giao dịch như MEXC, BingX, Binance, Gate... liên tục quảng bá, tiếp thị, truyền thông công khai, quy mô lớn, dù không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, tập trung vào các nhóm khách hàng dễ bị lôi kéo như sinh viên, giới trẻ…
Trong khi đó, ông Ngô Minh Hiếu, Giám đốc Dự án Phòng chống lừa đảo cho biết, tâm lý của nạn nhân là một trong những rào cản lớn khiến nhiều người không muốn trình báo các cơ quan chức năng. Nhiều nạn nhân bị lừa đảo tình cảm thường lo lắng bị ảnh hưởng đến uy tín và các mối quan hệ xã hội. Một số người khác lại cho rằng số tiền quá nhỏ không muốn báo cáo cơ quan chức năng hoặc cho rằng báo cáo cũng không giải quyết được nên lựa chọn phương án im lặng. “Việc chống lừa đảo trên không gian mạng không hề khó. Người dân chỉ cần chậm lại, kiểm chứng thông tin và báo cáo các cơ quan chức năng thì có thể giảm thiểu nguy cơ bị lừa…”, ông Ngô Minh Hiếu nói.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả, đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp, khuyến nghị mang tính khả thi cao, cùng các công nghệ, xu hướng mới để công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng hiệu quả hơn…