Agribank đẩy mạnh cho vay qua tổ vay vốn - tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng
Với vai trò chủ lực đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong nhiều năm qua, Agribank đã và đang triển khai nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng, đặc biệt với khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong số đó phải kể đến giải pháp phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đẩy mạnh cho vay qua tổ vay vốn.
Agribank tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng thông qua tổ vay vốn
Thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Agribank đã phối hợp có hiệu quả với các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó nòng cốt là các cấp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ và các tổ chức chính trị - xã hội khác triển khai thực hiện các nội dung cụ thể về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của mỗi ngành do Đảng và Nhà nước giao.
Đến nay, Agribank đã triển khai cho vay qua tổ vay vốn tại trên 7.200 xã, phường, thị trấn, chiếm tỷ lệ 77% tổng số xã, phường, thị trấn tại các địa phương trong toàn quốc. Hoạt động của tổ vay vốn đã đóng góp tích cực trong hoạt động tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Agribank. Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay qua tổ vay vốn đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động ngân hàng gắn với thực hiện chính sách “Tam nông” của Đảng và Nhà nước, gắn kết hoạt động của Agribank với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến tháng 9-2024, các chi nhánh trong hệ thống Agribank đã triển khai, thành lập tổ vay vốn và đã ký trên 5.700 thỏa thuận hợp tác với các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có trên 2.000 thỏa thuận đã được ký kết với tổ chức Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, gần 3.700 thỏa thuận đã được ký kết với tổ chức chính trị - xã hội khác.
Hiện nay, Agribank đã phối hợp thành lập gần 62.000 tổ vay vốn với gần 1,2 triệu thành viên, chiếm tỷ lệ trên 39% số lượng khách hàng cá nhân với dư nợ trên 210.000 tỷ đồng, chiếm 17,3% dư nợ khách hàng cá nhân và 12,7% dư nợ nền kinh tế; bình quân dư nợ/tổ vay vốn là 3,38 tỷ đồng; bình quân dư nợ/thành viên là trên 180 triệu đồng, tỷ lệ nợ xấu rất thấp (0,49%/năm).
Hoạt động cho vay qua tổ vay vốn được Agribank triển khai mở rộng cả về chất lượng và quy mô, dư nợ tăng trưởng hằng năm, chất lượng tín dụng bảo đảm, tạo sự gắn kết giữa Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, chính quyền, người dân, khách hàng với Agribank.
Agribank đã cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ cho các thành viên của tổ gắn với mô hình ngân hàng số, áp dụng giao dịch cho vay, thu nợ tự động, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh giao dịch điện tử (thanh toán chuyển tiền, thu hộ chi hộ, phát hành thẻ, mở tài khoản thanh toán, đăng ký SMS, Agribank Plus...).
Để hoạt động cho vay qua tổ vay vốn tiếp tục triển khai hiệu quả…
Thời gian tới, Agribank tiếp tục kết hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội và các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nắm bắt nhu cầu vay vốn của khách hàng, tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận lợi.
Agribank đồng thời công khai, minh bạch chính sách, thủ tục hồ sơ, điều kiện cho vay trên cơ sở cải cách, đơn giản thủ tục hành chính tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Agribank tiếp tục triển khai cho vay theo mô hình liên kết, cho vay theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cung cấp dịch vụ thanh toán trong nông nghiệp, đặc biệt là với hàng hóa nông sản có giá trị xuất khẩu cao; tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh, thu mua và xuất khẩu hàng nông sản chủ lực.
Để hoạt động cho vay qua tổ vay vốn tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách khuyến khích người sản xuất và đơn vị cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong vùng sản xuất, vùng nguyên liệu hình thành chuỗi liên kết, chính sách tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước và nước ngoài, nhất là các chương trình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính… để tạo môi trường đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn có chất lượng, từ đó tạo điều kiện để Agribank đầu tư vốn tín dụng thông qua hoạt động của tổ vay vốn, tổ liên kết có hiệu quả hơn.
Bên cạnh việc chủ động và tích cực đẩy mạnh hoạt động cho vay qua tổ vay vốn, Agribank đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng thông qua mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, chương trình đề án thẻ và các chương trình tín dụng ưu đãi dành riêng cho khách hàng khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Agribank chủ động và tích cực triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích với nhiều kênh phân phối đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đóng góp tích cực phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tỷ trọng cho vay tam nông của Agribank trong những năm qua luôn chiếm 65-70% dư nợ nền kinh tế của Agribank và chiếm 1/3 tín dụng lĩnh vực tam nông của cả nước.