Hà Nội: Đề xuất 6 tiêu chí và 9 mô hình khai thác lòng đường, hè phố
Sáng 18-12, Sở Xây dựng Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trên cơ sở đề xuất của 17 quận, huyện, thị xã, Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng (Sở Xây dựng) cùng tư vấn đã khảo sát 273 tuyến và 899 hè phố.
Báo cáo dự thảo đề án, PGS. TS Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam nêu, kết quả khảo sát cho thấy hiện trạng cây xanh, chiếu sáng, công trình hạ tầng kỹ thuật cơ bản đầy đủ. Đường dành cho người khuyết tật chỉ chiếm khoảng 24%. Về hiện trạng kinh doanh trên hè phố, nhà hàng, buôn bán nhỏ lẻ chiếm hơn 90%. Tình trạng lấn chiếm hè phố có tỷ lệ lớn, tới 94%...
“Nguyên tắc xây dựng đề án là lòng đường sử dụng cho mục đích giao thông. Hè phố phục vụ người đi bộ và là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận”, ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định.
Về phạm vi, đối tượng của đề án gồm các tuyến hè phố có đủ điều kiện sử dụng một phần để trông giữ phương tiện giao thông, để kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch, kinh tế đêm. Các tuyến đường có đủ điều kiện để sử dụng một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông.
Trong 6 tiêu chí sử dụng hè phố cho phép kinh doanh được đưa ra, tiêu chí đầu tiên là hè phố phải có chiều rộng tối thiểu 3m trở lên để đáp ứng cho người đi bộ và bố trí hạ tầng kỹ thuật, một phần để kinh doanh và trông giữ phương tiện.
Đối với khu phố cổ cho phép hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3m được kinh doanh trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc thời gian khác được UBND quận cấp phép.
Hè phố đủ điều kiện để kinh doanh cần bảo đảm cho nhu cầu đỗ xe của khách. Trong điều kiện hộ kinh doanh không có chỗ đỗ xe thì có thể xem xét khi bảo đảm từ địa điểm kinh doanh đến bãi đỗ xe gần nhất hoặc đến ga, bến xe công cộng gần nhất không lớn hơn 500m.
Những vị trí hè phố mà dưới lòng đường đã sử dụng để trông giữ phương tiện giao thông thì không bố trí phương tiện xe đạp, xe máy. Phạm vi này dành cho người đi bộ hay dùng để đặt các quầy bán hàng tự động.
Đối với khu phố cổ, khu phố cũ do hộ kinh doanh tự thu xếp. Đối với các tuyến phố nằm trong phố đi bộ của khu phố cổ có thể xem xét từng vị trí cụ thể để cấp phép kinh doanh.
Đối với các vỉa hè có bề rộng lớn hơn 4 m mà không tổ chức kinh doanh, UBND cấp huyện có thể cấp phép trông giữ phương tiện xe máy tuỳ theo nhu cầu của từng khu vực, đảm bảo không lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ (tối thiểu 1,5m).
Các hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh theo quy định) cần được chính quyền địa phương phổ biến, tập huấn và ký cam kết về việc kinh doanh đảm bảo an toàn, văn minh, thân thiện. Riêng các hộ kinh doanh ăn uống cần có giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hoạt động kinh doanh phải có phương án phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường không để ảnh hưởng tới hạ tầng kỹ thuật, như độ chịu lực của kết cấu hè phố, đảm bảo an toàn tủ điện, cây xanh.
UBND cấp huyện cần lấy ý kiến các hộ dân thuộc biển số nhà khu vực cấp phép kinh doanh để bảo đảm đồng thuận và ưu tiên cho người đã kinh doanh ở vị trí đó.
Thời hạn cấp phép là 6 tháng hay 1 năm. Thời gian kinh doanh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại tuyến phố và đảm bảo an ninh trật tự và giao thông.
Mặt hàng kinh doanh do UBND cấp huyện xác định cụ thể đảm bảo phát triển đô thị, phát triển du lịch, kinh doanh thương mại văn minh, phù hợp với văn hóa địa phương.
Đối với hộ kinh doanh di động phải được trang bị quầy bán hàng theo quy cách được UBND cấp huyện ban hành.
Tại hội thảo, đại diện đơn vị tư vấn dành thời gian giới thiệu về 9 mô hình được đề xuất dựa trên các tiêu chí khu phố cổ có hè phố nhỏ hơn 3m; các hè phố có bề rộng từ 3m-4,5m; từ 4,5m-6m; từ 6-7,5m và trên 7,5m.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của đại diện các sở, ban, ngành, địa phương cùng các chuyên gia, Sở Xây dựng sẽ hoàn thiện đề án để báo cáo, trình UBND thành phố.