Vững vàng trên mặt trận an sinh xã hộiBài 3: Không ngừng nâng cao đời sống người có công
Công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được thành phố đặc biệt quan tâm. Tổng kinh phí 11 tháng năm 2024 chi cho công tác ưu đãi người có công của thành phố là 2.331,2 tỷ đồng. Đời sống người có công không ngừng được nâng lên.
Những con số ấn tượng
Tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, trong năm 2024, Sở đã tiếp nhận và giải quyết 10.225 hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Tổng kinh phí 11 tháng đầu năm chi cho công tác ưu đãi người có công của thành phố là 2.331,2 tỷ đồng. Trong đó, thành phố thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho 78.521 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 1.991 tỷ đồng. Chi trả trợ cấp một lần 175 tỷ đồng, chi quà lễ Tết 71 tỷ đồng, chi điều dưỡng 94,2 tỷ đồng…
Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Sở đã tham mưu thành phố trao 343.584 suất quà, tương đương 248,8 tỷ đồng dành tặng người có công. Dịp Quốc khánh 2-9, có 3.370 suất quà được trao với số tiền 5,3 tỷ đồng. Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10), Hà Nội đã dành tặng 2.556 suất quà dành tặng người có công với kinh phí 12,99 tỷ đồng.
Cũng trong dịp 10-10, thành phố còn tổ chức đoàn lãnh đạo thăm, làm việc tại các tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, Quảng Trị, tặng mỗi tỉnh 3 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh; trao tặng riêng tỉnh Quảng Trị 15 tỷ đồng để hỗ trợ xây sửa nhà người có công. Đồng thời, thành phố tặng mỗi tỉnh 70 suất quà cho các gia đình chính sách người có công tiêu biểu và 100 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Thành phố cũng đã thực hiện điều dưỡng tập trung đối với 20.095 lượt người có công và thân nhân, với tổng kinh phí trên 94,2 tỷ đồng. Mỗi đợt điều dưỡng, các trung tâm chăm sóc người có công đều bảo đảm đầy đủ trang thiết bị, mua sắm vật phẩm, vật dụng phục vụ điều dưỡng, tận tình, chu đáo trong các khâu phục vụ. Người có công đến điều dưỡng tại các trung tâm trực thuộc Sở đều được kiểm tra sức khỏe đầu vào, được chăm sóc sức khỏe, theo dõi bệnh lý nguy cơ cao, điều trị các bệnh lý thông thường, lập danh sách phục vụ ăn kiêng theo bệnh lý.
Các trung tâm tổ chức thực hiện tốt việc cấp phát thuốc bổ nâng cao thể trạng như thuốc đông y, tây y đúng chế độ tiêu chuẩn quy định. Đồng thời, duy trì tổ chức thực hiện phương pháp điều trị đông y, phục vụ chăm sóc sức khỏe người có công tại khu vật lý trị liệu, xông hơi khô, tắm sục thủy lực, đường rải sỏi, khu tập phục hồi chức năng…
Có thể khẳng định, các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng luôn được thành phố quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt. Người có công và thân nhân người có công ngày càng được quan tâm, và mức thụ hưởng không ngừng được nâng lên, góp phần nâng cao đời sống của người có công. Qua đó, thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân Thủ đô đối với người có công và thân nhân.
Vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt 155% kế hoạch
Triển khai Kế hoạch thực hiện phong trào Đền ơn đáp nghĩa năm 2024, thành phố đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được trên 36,1/22,8 tỷ đồng (đạt 155 % kế hoạch, trong đó có nhiều quận, huyện huy động số quỹ đạt 02 lần kế hoạch đề ra). Thành phố đã tặng 1.855/1.245 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí gần 5,5 tỷ đồng, đạt 149% so với kế hoạch, trung bình 3,1 triệu đồng/sổ.
Cùng với đó, thành phố đã tu sửa nâng cấp 58/31 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí gần 160,6 tỷ đồng, đạt 187% so với kế hoạch. Đáng chú ý, công tác vận động xã hội hóa cho việc tu sửa nâng cấp nhà ở cho người có công với cách mạng đã thu hút sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng xã hội. Có 192/133 nhà ở cho người có công với cách mạng được tu sửa nâng cấp với tổng kinh phí trên 7,6 tỷ đồng, đạt 144,4% kế hoạch. Đặc biệt, 57 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng. 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa.
Phong trào đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Công tác chăm sóc, quản lý và nuôi dưỡng đối tượng tại các trung tâm nuôi dưỡng người có công được thực hiện tốt, đúng quy định và bảo đảm an toàn.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong, từ nay đến hết năm 2024 và tháng đầu năm 2025, thực hiện chính sách người có công với cách mạng, trên cơ sở kế hoạch của Thành ủy và chỉ đạo của UBND thành phố, Phòng Người có công của Sở được giao chủ trì, phối hợp với phòng Kế hoạch - Tài chính và các phòng, đơn vị liên quan dự thảo kế hoạch tổ chức thăm hỏi, tặng quà đối với người có công và các đối tượng xã hội thuộc trách nhiệm tham mưu của ngành; xây dựng thành lịch cụ thể, báo cáo lãnh đạo Sở để thực hiện.
Cùng với đó, Phòng Người có công của Sở tham mưu lãnh đạo Sở phối hợp với Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng lịch tặng quà của lãnh đạo thành phố nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ để triển khai thực hiện theo Kế hoạch số 276-KH/TU lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ của thành phố.
Với sự vào cuộc sát sao, tham mưu tích cực của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, công tác chăm lo các đối tượng chính sách người có công luôn được bảo đảm, 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.
(Còn nữa)