Hà Nội kết nối

Bà Rịa - Vũng Tàu: Dấu ấn thu hút hơn 2 tỷ USD tiền đầu tư FDI

Nhóm phóng viên 16/12/2024 - 12:23

Đầu năm 2024, chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu thu hút 2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến đầu tháng 12, con số thực tế đầu tư FDI đã vượt cả dự tính.

585-202412161152241.jpg
Kho ngầm chứa LPG và hệ thống xuất nhập của Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: CECO

Thành quả của quyết tâm cao

Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2024, tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Về FDI, tỉnh đã thu hút 57 dự án đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho 30 dự án, với tổng vốn đầu tư 2,013 tỷ USD và 42.013,6 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2023.

Đây là kết quả của quá trình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh đầu tư hạ tầng; phát triển khu công nghiệp xanh; tận dụng lợi thế cảng biển lớn nhất nước và ban hành nhiều chính sách hấp dẫn thu hút có chọn lọc nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng và nội tỉnh, với nhiều tuyến đường đang được triển khai khẩn trương như: Đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT 994), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An...

Cùng với đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã triển khai nhiều giải pháp phát triển hệ thống trung tâm logistics và cảng trung chuyển quốc tế tại Cái Mép - Thị Vải; triển khai Đề án phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại Phú Mỹ… Tỉnh cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề; tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh…

Đáng chú ý, vào chiều thứ năm hằng tuần, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ duy trì lịch tiếp và làm việc với doanh nghiệp nhằm kịp thời ghi nhận, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư. Những vướng mắc, kiến nghị này sau đó được Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp (Tổ 997) giải quyết triệt để, hiệu quả, tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp đầu tư và hoạt động.

Với những điểm “hấp dẫn” này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến với Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngay từ đầu năm 2024, một trong những nhà đầu tư lớn đã đến “xông đất” tại địa phương này. Đó là Dự án sản xuất HVO (dầu diesel tái tạo, nhiên liệu hàng không bền vững được sản xuất thông qua xử lý dầu và chất béo từ xúc tác hydro; giúp giảm 73-84% lượng khí thải carbon so với nhiên liệu thông thường) tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2, do Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) với mức vốn gần 400 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư của Hyosung tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 3 dự án lên đến hơn 1,66 tỷ USD.

585-202412161152243.jpg
Cảng Hyosung Vina Chemicals tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Portcoast

Theo ông Choi Young Gyo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hyosung Vina, các dự án của doanh nghiệp với số vốn đầu tư hơn 1,66 tỷ USD đều nhận được sự hỗ trợ tối đa của các sở, ban, ngành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên triển khai rất thuận lợi.

Tiếp tục nâng chất đầu tư

Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện tỷ suất đầu tư dự án của tỉnh cao nhất trong nhóm 5 tỉnh, thành đứng đầu cả nước. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh đang có gần 500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33,3 tỷ USD. Như vậy, trung bình 1 dự án có số vốn gần 70 triệu USD.

Những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó thu hút đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thu hút đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; ưu tiên thu hút một số ngành có lợi thế của tỉnh như: Logistics, công nghiệp hỗ trợ về cơ khí chế tạo, du lịch…; thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường.

Để chuẩn bị cho bước phát triển mới này, nhiều chính sách đồng bộ đã được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai. Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức cho biết, doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khi đó, sẽ có thêm hơn 200ha diện tích đất “sạch” sẵn sàng cho các nhà đầu tư lớn.

585-202412161152245.jpg
Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3. Ảnh: BVT

Còn theo ông Choi Heung Yeon, Phó Tổng Giám đốc Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, khu công nghiệp này đã và đang chú trọng thu hút thêm dòng vốn FDI từ lợi thế tài nguyên thiên nhiên phong phú, dồi dào; nguồn điện ổn định và dịch vụ hậu cần logistics phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện, khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã và đang được nhiều nhà đầu tư quốc tế thuộc ngành công nghiệp nặng và hóa chất, dịch vụ hậu cần; công nghiệp năng lượng… tìm đến đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ khẳng định, ngoài việc duy trì các chỉ số, phần việc đã làm tốt, tỉnh đặc biệt chú trọng việc khơi thông các điểm nghẽn trong cơ chế; tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đưa các chỉ số như PCI, PAPI, PAR-index ngày càng tốt hơn nữa.

Cụ thể, chính quyền Bà Rịa - Vũng Tàu xác định luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, coi thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh; góp phần thực hiện mục tiêu năm 2025, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 10%, GRDP đầu người (trừ dầu khí) đạt 9.620-10.730 USD. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,81%. Tổng thu ngân sách đạt 95.706 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách được bố trí đầu tư công từ đầu năm là hơn 23.460 tỷ đồng…

Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 11,72%, mức cao nhất trong 10 năm qua; GRDP cả dầu khí tăng 0,79%. GRDP bình quân đầu người đạt 9.012 USD, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) tăng 12,91%. Doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 13,71%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 13,86 tỷ USD. Toàn tỉnh hiện có 698 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 411.770,1 tỷ đồng và 495 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn 33,855 tỷ USD.