Diễn biến chính trị tại Hàn Quốc:Nỗ lực giảm rủi ro
Sự chú ý của dư luận quốc tế cũng như của chính Hàn Quốc đang đổ dồn về Tòa án Hiến pháp nước này - nơi được coi là đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Tuy nhiên, theo giới quan sát, với sự đoàn kết và nỗ lực bảo vệ lợi ích quốc gia, một giải pháp toàn vẹn, hài hòa chắc chắn sẽ sớm được đưa ra nhằm hạn chế tối đa rủi ro có thể phát sinh để đưa đất nước Hàn Quốc trở lại quỹ đạo ổn định.
Theo truyền thông bản địa, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã khởi động tiến trình xem xét nghị quyết của Quốc hội về việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Tòa án cũng đã quyết định chọn hai thẩm phán để giám sát việc kiểm tra bằng chứng và thành lập nhóm công tác rà soát pháp lý. Những động thái này diễn ra sau khi nghị quyết luận tội ông Yoon Suk Yeol được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Jung Chung Rae đệ trình.
Trước đó, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol với 204 phiếu thuận trong tổng số 300 nghị sĩ có mặt. Nghị quyết nêu rõ, lý do luận tội là Tổng thống đã "vi phạm Hiến pháp và luật pháp khi ban bố tình trạng thiết quân luật khẩn cấp”. Tổng thống Yoon Suk Yeol là nguyên thủ quốc gia thứ ba phải đình chỉ chức vụ do bị luận tội trong lịch sử lập hiến Hàn Quốc, sau cựu Tổng thống Roh Moo Hyun (năm 2004) và cựu Tổng thống Park Geun Hye (năm 2016).
Theo giới quan sát, để chứng minh ông Yoon Suk Yeol có tội, các cơ quan điều tra Hàn Quốc cần phải đưa ra bằng chứng về ý định lật đổ trật tự hiến pháp và về hành vi bạo lực thực sự. Theo một số quan điểm, việc lực lượng đặc nhiệm phá cửa sổ để vào Tòa nhà Quốc hội, xô xát với nhân viên và nghị sĩ Quốc hội trong đêm thiết quân luật có thể được xem xét như một bằng chứng tiềm năng.
Dù thế nào, theo Hiến pháp Hàn Quốc, tòa án sẽ phải đưa ra phán quyết trong vòng 180 ngày. Nếu chấp nhận quyết định luận tội, Tổng thống sẽ bị bãi nhiệm và cuộc bầu cử Tổng thống mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày. Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc Moon Hyung Bae cho biết, sẽ triệu tập cuộc họp các thẩm phán vào 10h ngày 16-12 (giờ địa phương) và cam kết tiến hành xét xử "một cách nhanh chóng và công bằng”.
Có một chi tiết đáng chú ý là việc Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc thường có 9 thẩm phán, nhưng hiện chỉ có 6 người. Trong khi đó, để thông qua một phán quyết luận tội, phải có sự ủng hộ của ít nhất sáu trong số 9 thẩm phán. Điều này đồng nghĩa, chỉ cần một trong 6 thẩm phán hiện hữu không đồng ý luận tội, ông Yoon Suk Yeol sẽ có cơ hội “lách qua khe cửa hẹp”. Tuy nhiên, nếu Tòa án Hiến pháp yêu cầu Quốc hội Hàn Quốc bổ nhiệm thêm 3 thẩm phán trước khi tiến hành luận tội, kịch bản sẽ thay đổi.
Trong khi chờ đợi phán quyết, Hàn Quốc đối mặt với những thách thức về điều hành đất nước và đối ngoại. Tuy nhiên, Seoul đã có những biện pháp ứng phó. Quyền Tổng thống Han Duck-soo - vốn là đương kim Thủ tướng Hàn Quốc - đã triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia, yêu cầu duy trì trạng thái sẵn sàng bảo vệ đất nước trong mọi tình huống. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng kêu gọi bảo vệ lợi ích đất nước thông qua ngoại giao chủ động, đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu duy trì vững chắc liên minh Hàn Quốc - Mỹ và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.
Ở phương diện đối ngoại, Seoul đã chủ động trấn an các đối tác. Ngày 15-12, Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, cam kết sẽ duy trì và phát triển quan hệ đồng minh giữa hai nước. Quyền Tổng thống Hàn Quốc cũng yêu cầu cơ quan ngoại giao duy trì kênh liên lạc chặt chẽ với Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời thông báo rộng rãi rằng đường lối đối ngoại của Seoul sẽ không thay đổi.
Trước những diễn biến tại Hàn Quốc, cộng đồng quốc tế tỏ ra thận trọng nhưng không lo ngại. Mỹ, đồng minh quan trọng của Hàn Quốc, khẳng định sẵn sàng làm việc với ông Han Duck-soo. Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh cần phải có giải pháp “nhanh chóng và có trật tự," phù hợp hiến pháp đối với cuộc khủng hoảng chính trị lần này. Các quan chức Nhật Bản cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ với Hàn Quốc.
Hàn Quốc đang trải qua giai đoạn biến động lớn về chính trị. Tuy nhiên, với sự đoàn kết và nỗ lực bảo vệ lợi ích quốc gia, một giải pháp toàn vẹn, hài hòa chắc chắn sẽ sớm được đưa ra nhằm hạn chế tối đa rủi ro có thể phát sinh, đưa đất nước trở lại quỹ đạo ổn định.