Văn nghệ

"Kiên lục bát" và cuộc đời dọc ngang thân chữ

Võ Hà 15/12/2024 20:47

Gương mặt Nguyễn Thế Kiên lúc bình thường toát lên vẻ trăn trở, suy tư. Khi anh nói, từ ngữ điệu cách ghì chữ, nhấn nhá cho đến những nếp gấp dọc ngang trên gương mặt đều cho thấy đây quả thực là một phận người, một phận chữ chẳng an nhàn.

Ấy vậy mà khi anh nở nụ cười, mắt nheo lại, nét cười bỗng chốc vừa duyên, vừa có chút tinh quái. Và, khi giọng cười ấy cất lên, đích thị là giọng cười của một gã nhà quê có máu nghệ sĩ.

kien-1.jpg
Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên.

Từ trong “Sữa đất”

Tôi quen biết Nguyễn Thế Kiên đã 16 năm, kể từ năm 2008. Khi đó, anh mới chân ướt chân ráo rời quê hương Ý Yên, Nam Định, lên Hà Nội ở nhờ tại tư gia của nhà thơ Đặng Khánh Cường để tham gia khóa học sáng tác văn chương kéo dài 3 tháng - khóa 2 của Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Ở tuổi 37, sau gần 20 năm rời ghế nhà trường rồi trở thành một nông dân chính hiệu, anh lại cắp sách theo đòi chữ nghĩa.

Thật ra, trước đó rất nhiều năm, ngay từ khi mới 14 - 15 tuổi, Nguyễn Thế Kiên đã nuôi mộng văn chương. Anh trót mê mẩn thơ kể từ khi tình cờ có trong tay một nửa tập thơ “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính - thi sĩ đất Thành Nam. Những năm ấy vừa kết thúc thời kỳ bao cấp, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ở một xóm nhỏ vùng đồng chiêm trũng, trái tim chàng trai trẻ đã bắt đầu thổn thức với những vần thơ xót xa cho một phận người.

Tốt nghiệp bậc phổ thông 10 năm, như bao thế hệ thanh niên nông thôn những năm tháng ấy, Nguyễn Thế Kiên gắn bó với cuốc cày, lao động sản xuất tại quê hương. Ban ngày bận rộn với công việc đồng áng, tối đến anh lại miệt mài cầm bút sáng tác văn, thơ. Những năm 90 của thế kỷ trước nở rộ các tạp chí chuyên đề do các nhà văn, nhà thơ tên tuổi "cầm chịch", thơ của Nguyễn Thế Kiên thường xuyên được chọn đăng. Anh vẫn nhớ như in cảm giác vui sướng, bồi hồi khi đúng lời hẹn tới bốt điện thoại, nhận cuộc gọi của nhà thơ Chu Thị Thơm ở Báo Giáo dục thời đại thông báo chùm thơ ba bài của Nguyễn Thế Kiên sẽ được đăng trong số báo tới.

kien-3.jpg

Nhớ lại những ngày ấy, khi bài được đăng, có báo biếu gửi về kèm theo nhuận bút, trong Nguyễn Thế Kiên vẫn nguyên vẹn nỗi xúc động. Vừa bước qua tuổi 20, anh lập gia đình. Rồi cậu con trai đầu lòng ra đời. Thu nhập từ nghề nông, từ nhuận bút những bài thơ đăng báo, tạp chí không đủ trang trải kinh tế gia đình. Sẵn tài ăn nói hoạt ngôn, lại có vốn thơ ca lục bát tích lũy từ sở thích ham đọc, Nguyễn Thế Kiên trở thành một MC có duyên được các cô dâu chú rể tin tưởng nhờ dẫn dắt chương trình trong các lễ cưới khắp các xóm thôn ở Yên Phong rồi lan xa khắp Ý Yên - Nam Định.

Làm nông, làm thơ rồi làm MC đám cưới, cái tên “Kiên lục bát” đã trở thành một nghệ danh của “nhà thơ làng” Nguyễn Thế Kiên. Thế nhưng cũng phải đến hơn chục năm sau, Nguyễn Thế Kiên mới chính thức lặn lội từ Nam Định lên Hà Nội lập nghiệp.

“Dọc ngang thân chữ”

Nguyễn Thế Kiên vẫn nhớ như in một buổi chiều năm 2008 đi làm đồng về bỗng thấy một chiếc ô tô đỗ ngay trước cổng nhà. Vị khách ghé thăm nhà “Kiên lục bát” ngày ấy chính là nhà phê bình văn học Nguyên An. Ông đích thân gặp “gã nhà thơ nông dân” để chiêu mộ anh lên Thủ đô tham gia khóa 2 Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du. Lúc này, Nguyễn Thế Kiên đã 37 tuổi, đã in tập thơ đầu tay “Gọi hồn quê”, tập thơ “Sữa đất” cũng sắp sửa trình làng. Đã từng nhiều lần ngấp nghé chốn đô hội để tao ngộ văn chương nhưng phải đến năm 2008, khi tham gia lớp đào tạo về sáng tác văn chương kéo dài 3 tháng ấy, anh chính thức lập nghiệp ở Hà Nội.

kien-2.jpg

Khởi nghiệp muộn khi đã xấp xỉ tuổi 40, Nguyễn Thế Kiên bắt buộc phải bứt tốc, nghĩ nhanh, làm nhanh. Năm trước còn tất tưởi học hành, năm sau Nguyễn Thế Kiên với tư duy nhanh nhạy đã kịp bắt tay cùng một nhà thơ đàn anh thành lập Công ty cổ phần Văn hóa Đất Việt chuyên lĩnh vực xuất bản, in ấn, kinh doanh sách, văn hóa phẩm. Từ năm 2010 đến năm 2016, anh "kịp" in thêm 7 tập thơ. Khi tập thơ “Dọc ngang thân chữ” được xuất bản (năm 2016), đó cũng là thời điểm Nguyễn Thế Kiên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Như để bù lại những năm tháng “đủng đỉnh” ở quê nhà, quãng từ năm 2009 đến nay, Nguyễn Thế Kiên liên tục chuyển động. Thành lập Công ty cổ phần Văn hóa Đất Việt chưa bao lâu, anh theo học ngành Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Bộn bề công việc mưu sinh, lo học hành cho các con, lo việc thu xếp gia đình về một mối, Nguyễn Thế Kiên vẫn say sưa sáng tác và kết giao văn chương. Hầu như năm nào anh cũng có một tập thơ trình làng, có những năm có tới hai tập. Tới nay, số đầu sách mang thương hiệu “Kiên lục bát” đã xấp xỉ con số 20. Anh đã 2 lần được trao Giải thưởng văn học nghệ thuật Lương Thế Vinh, 2 lần đoạt giải B thơ Nam Định, giải Lý luận phê bình văn học Nam Định, Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

Nếu như quãng đầu sáng tác Nguyễn Thế Kiên nghiêng về cảm xúc hồn làng, càng về sau, anh đi sâu vào ngẫm ngợi thế sự và triết luận. Năm 2024, Nguyễn Thế Kiên xuất bản 2 tập sách gồm tập chân dung, tiểu luận “Người trong cửa chữ” và tập thơ “Trong một căn chiều”.

Tiếp xúc với Nguyễn Thế Kiên đủ lâu mới hiểu được sự đa sầu đa cảm trong thơ anh, một nhà thơ cười đó rồi lại khóc liền sau đó. Vừa tươi cười khi lâu ngày không gặp tay bắt mặt mừng đã lại trầm ngâm nghĩ ngợi về nhân sinh thế sự, giọng nói nghẹn ngào, trầm đục xuống khi đọc một câu thơ nông nỗi cuộc đời. Đã hơn một lần tôi chứng kiến “Kiên lục bát” vừa đọc thơ về mẹ, về quê, gần đây là mưa lũ ở quê nhà mà ngấn lệ. Đó là những câu: “Mùa thu nào chả bão mưa/ Lụt thành gia sản quê mùa đồng chiêm/ Quê nhà bùn đất mà nên/ Ngàn năm bồi một Ý Yên cõi lành”.

Gần 20 năm đã trôi qua kể từ ngày Nguyễn Thế Kiên chính thức bước vào “Cửa chữ” khi ra mắt những tác phẩm, những cuốn sách định hình nên phong cách thơ lục bát độc đáo. Anh đã “Gọi hồn quê”, đã “Đối diện đêm”, đã nghĩ về “Dọc ngang thân chữ”, đã “Từ kiếp chữ” nghĩ về “Người trong cửa chữ” và “Mãi tin vào những kiếp người” (tên những tác phẩm Nguyễn Thế Kiên) và còn nhiều lắm những suy tư, suy nghiệm. Ngoài 50 tuổi, những nhọc nhằn của kiếp người in hằn lên gương mặt nhưng “Kiên lục bát” vẫn nụ cười, giọng cười vô tư như những ngày xa ấy. Và sau những nụ cười, anh lại: “Trầm chiều gọi gió thanh minh/ Mây ký ức lửng lơ xanh lên mùa/ Lối vào mở ngõ thơ xưa/ Một căn chiều gió trăng vừa chín hương...”.

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên, sinh năm 1971, quê xã Yên Phong, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, hiện là Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Đất Việt. Anh đã xuất bản gần 20 ấn phẩm, chủ yếu là thơ, như "Gọi hồn quê" (thơ - NXB Hội Nhà văn 2007), "Đường về" (thơ - NXB Hội Nhà văn 2010), "Tản mạn lòng tay" (thơ và văn xuôi - NXB Hội Nhà văn 2012), "Chân đất đầu trời" (thơ - NXB Hội Nhà văn 2018), "Từ kiếp chữ" (phê bình và tiểu luận văn chương - NXB Hội Nhà văn 2018)... Anh cũng từng vinh dự nhận Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam 2012; Giải thưởng Lương Thế Vinh về thơ của tỉnh Nam Định 2005 - 2010, 2010 - 2015.