Hà Nội: Phát triển trung tâm tài chính - ngân hàng tại quận Hoàn Kiếm
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội định hướng sau năm 2030, hình thành thêm tổ hợp trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ quốc tế trên trục Nhật Tân - Nội Bài
Về định hướng chung, Hà Nội được xây dựng để trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế.
Thương mại, logistics, tài chính, các dịch vụ đô thị, dịch vụ công và kinh tế ban đêm gắn với phát triển du lịch bền vững, có năng lực cạnh tranh cao trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại.
Tăng cường kết nối các hoạt động thương mại, dịch vụ của Thủ đô Hà Nội với các trung tâm vùng và cả nước thông qua các hành lang và vành đai kinh tế.
Đi đầu về phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới
Lĩnh vực thương mại được định hướng phát triển văn minh, hiện đại, có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao.
Thành phố phát triển các trung tâm thương mại hiện đại, theo chuẩn quốc tế; hình thành các tổ hợp thương mại dịch vụ quy mô cấp vùng, kết hợp mua sắm với vui chơi giải trí, các mô hình kinh tế ban đêm; phát triển các sàn giao dịch hàng hóa quốc gia, liên thông quốc tế; phát triển thương mại điện tử dựa trên nền tảng hạ tầng số hiện đại. Hà Nội phấn đấu đi đầu cả nước về phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thành phố nghiên cứu hình thành trung tâm thương mại theo mô hình chuỗi cửa hàng bán lẻ sản phẩm, hàng tồn kho của các nhà sản xuất (outlet) tại các đầu mối giao thông liên tỉnh, liên vận quốc tế ở khu vực phía Bắc và phía Nam thành phố.
Các trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp được hình thành trong không gian ngầm tại trung tâm các khu đô thị, đầu mối giao thông công cộng, nơi tập trung đông dân cư.
Không gian phát triển thương mại được định hướng cụ thể tại khu vực nội đô lịch sử, khu ực đô thị trung tâm hiện hữu; khu vực đô thị trung tâm mở rộng; khu vực thành phố phía Bắc và khu vực phía Nam Thủ đô; khu vực thành phố phía Tây và khu vực đô thị Sơn Tây - Ba Vì, khu vực các huyện.
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Thủ đô Hà Nội trở thành một trong các điểm đến du lịch được lựa chọn hàng đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là nơi đáng đến và lưu lại; là đầu mối của các tuyến du lịch đến các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.
Hà Nội tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc của Thủ đô nghìn năm văn hiến, có thương hiệu sản phẩm nổi bật và sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế; chú trọng phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch hội nghị, hội thảo, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, du lịch thể thao, giải trí...
Các sản phẩm du lịch thông minh được phát triển trên cơ sở ứng dụng công nghệ số để nâng tầm các di sản của Thủ đô như: Hoàng thành Thăng Long, Thành Cổ Loa, Thành cổ Sơn Tây, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hồ Gươm, các đền, đình, chùa...
Khai thác các giá trị đặc biệt của khu vực Hồ Tây, khu phố cổ, phố cũ, sông Hồng để phát triển các hoạt động du lịch văn hóa, lễ hội, âm nhạc, ẩm thực, vui chơi giải trí gắn với phát triển kinh tế đêm.
Khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa - tín ngưỡng, đặc thù của tự nhiên để phát triển khu vực Hương Sơn - Quan Sơn thành khu du lịch quốc gia, với sản phẩm nổi trội về văn hóa, nghỉ dưỡng.
Khu vực Sơn Tây - Ba Vì là khu du lịch quốc gia về cội nguồn lịch sử, du lịch sinh thái tham quan, bảo tồn động, thực vật và nghỉ dưỡng; khai thác lợi thế cảnh quan thiên nhiên, các mặt nước và đồi, núi, rừng trên địa bàn thành phố để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí và lưu trú.
Ngoài ra, thành phố phát triển hành lang du lịch dọc theo hai bờ sông Hồng (từ Ba Vì đến Phú Xuyên), theo Vành đai 4, hai bờ sông Đáy (Phúc Thọ đến Mỹ Đức); từng bước hình thành hành lang du lịch theo sông Tô Lịch; khai thác hành lang du lịch theo sông Cầu và sông Cà Lồ (huyện Sóc Sơn) và hành lang du lịch dọc sông Tích.
Đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Phát triên các dự án du lịch quy mô lớn, mang tính chiến lược có vai trò dẫn dắt, liên kết các hoạt động du lịch trong vùng và khu vực.
Phát triển dịch vụ tài chính mang tầm khu vực và quốc tế
Với định hướng Thủ đô Hà Nội là trung tâm tài chính quốc gia, Quy hoạch xác định phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm toàn diện, hiện đại, gắn với phát triển trung tâm giao dịch hàng hóa trong nước và quốc tế, trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốc độ cao, an toàn bảo mật, hệ sinh thái chuyển đổi số mạnh mẽ, kết nối đa phương tiện, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ tài chính thông minh.
Một trong những định hướng cụ thể là phát triển trung tâm tài chính - ngân hàng tại khu vực quận Hoàn Kiếm. Sau năm 2030, hình thành thêm tổ hợp trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ quốc tế trên trục Nhật Tân – Nội Bài
Về dịch vụ logistics, thành phố phát triển hệ thống logistics, trung tâm phân phối hàng hóa tại các vùng kinh tế - xã hội Hà Nội; hình thành 5 trung tâm logistics tập trung quy mô lớn, gồm: Trung tâm logistics Bắc Hà Nội, gắn với sân bay Nội Bài và khu vực phía Bắc thành phố.
Trung tâm logistics Nam Hà Nội gắn với ga đường sắt Ngọc Hồi; Trung tâm logistics định hướng tại khu vực Phú Xuyên, gắn với cảng hàng không phía Nam vùng Thủ đô.
Trung tâm logistics đường bộ gắn với cảng ICD Gia Lâm và trung tâm logistics đường thủy nội địa tại Giang Biên, Long Biên, gắn với khai thác tuyến giao thông đường thủy.
Thành phố đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng các trung tâm logistics có quy mô phù hợp, dịch vụ đồng bộ, hiện đại, thuận tiện kết nối với các đầu mối, tuyến giao thông lớn, các điểm tập kết hàng hóa, các khu vực sản xuất tập trung; chú trọng phát triển hệ thống kho bãi chuyên dụng.