Góc nhìn

Tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả

Đình Hiệp 15/12/2024 - 06:31

Những ngày này, các đơn vị đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 14-11-2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025.

Theo nghị quyết trên, Hà Nội đang sắp xếp, hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới, phấn đấu thực hiện xong trước ngày 25-12-2024 và đi vào hoạt động từ đầu năm 2025.

Sau khi sắp xếp, thành phố Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã; 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã lần này diễn ra vào thời điểm đặc biệt khi Hà Nội cũng như cả nước đang gấp rút triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Nhìn vào thực tế cho thấy, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Sự cồng kềnh và chồng chéo chức năng không chỉ kéo dài thời gian ra quyết định, mà còn khiến các chính sách khó triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Trước yêu cầu cấp thiết đó, việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 18-NQ/TƯ có ý nghĩa rất quan trọng. Đây thực sự là một cuộc cách mạng nhằm tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đang được thành phố Hà Nội và cả nước triển khai quyết liệt để nâng cao năng lực quản lý và điều hành quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại.

Trong đó, việc triển khai Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 tại Hà Nội không chỉ giúp các địa phương tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, mà còn mở rộng không gian phát triển; đồng thời, tạo thuận lợi để phát huy nguồn lực đất đai, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới.

Để cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy thực sự hiệu quả như chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thành ủy Hà Nội, trước hết các đơn vị liên quan - đặc biệt là cấp ủy, người đứng đầu các đơn vị - cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương. Trong đó, chú trọng phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư để không phát sinh “tâm tư”. Việc triển khai phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; đồng thời kết hợp hài hòa giữa tính kế thừa, ổn định với yêu cầu đổi mới, phát triển; khắc phục triệt để sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực và hạn chế tổ chức trung gian.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 phải gắn với việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo định hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền số, xã hội số. Mặt khác, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động ổn định, không làm ảnh hưởng nhiều đến giao dịch hành chính đối với các tổ chức và công dân.

Với sự đoàn kết thống nhất, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và mỗi đơn vị, địa phương, cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt đẹp, góp phần đưa đất nước ta vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.