Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy di sản văn hóa
Tại kỳ họp thứ tám vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Đây là niềm vui đối với những người làm công tác quản lý, thực hành và bảo vệ di sản, bởi những điểm mới của Luật góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Những tồn tại, bất cập
Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tính đến giữa năm 2024, trên toàn quốc có hơn 40.000 di tích, trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.621 di tích quốc gia. Về di sản văn hóa phi vật thể, có khoảng 70.000 di sản đã được kiểm kê, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp…
Với số lượng di sản văn hóa đồ sộ, trải rộng khắp cả nước, trong đó thành phố Hà Nội là địa phương đang dẫn đầu về số lượng (gần 6.000 di tích và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể), công tác bảo tồn, phát huy di sản nhiều năm qua luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và được các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa còn gặp rất nhiều bất cập, vướng mắc...
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định, việc khoanh vùng bảo vệ di tích tại các địa phương chưa đồng bộ; công tác tôn tạo, trùng tu di sản còn để xảy ra sai phạm. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân đến nay vẫn chưa thỏa đáng.
Thực tế cho thấy, đã có không ít bài học đau lòng về công tác bảo tồn, phát huy di sản không đúng cách khiến di tích bị biến dạng. Điển hình như dự án trùng tu, tôn tạo di tích đền tháp Bánh Ít (tỉnh Bình Định) - “báu vật” cổ có niên đại hơn 1.000 năm nhưng đơn vị thi công đã dùng máy móc lấp đất đá nhiều hạng mục. Hay việc trùng tu chùa Trăm Gian, đình Chèm tại Hà Nội thời gian vừa qua cũng để lại bài học lớn cho công tác bảo vệ, trùng tu di tích.
Bên cạnh đó, theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm thời gian qua, đó là câu chuyện “hồi hương” cổ vật nhưng hiện nay chưa có một điều luật hay một văn bản dưới luật nào quy định và hướng dẫn cụ thể việc đưa cổ vật của Việt Nam về nước.
Sớm khơi thông các điểm nghẽn
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025, gồm 9 chương, 95 điều; tăng 2 chương, 22 điều so với luật hiện hành với nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ sớm tháo gỡ những điểm nghẽn trong công tác bảo tồn và phát huy di sản. Trong đó, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định cụ thể việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu phù hợp với Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; quy định chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động có tính đặc thù; hoàn thiện những hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ngoài ra, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) xác định cụ thể các trường hợp điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ I và II của di tích, khu vực di sản thế giới và vùng đệm của di sản thế giới; quy định cụ thể việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình; quy định về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quy định mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; phân cấp, phân quyền rõ hơn trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản…
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền đánh giá, những điểm mới của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã giải quyết những điểm nghẽn về thể chế, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ở góc độ đơn vị quản lý di sản trên địa bàn thành phố Hà Nội, Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, việc phân cấp quản lý rõ ràng cho các địa phương, cùng với quy định bổ sung về chính sách, nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản là cơ sở để các địa phương kêu gọi đầu tư, phát huy hiệu quả di sản văn hóa, nhất là trong thời đại số.
Bên cạnh khơi thông điểm nghẽn, qua đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua lần này còn khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Các địa phương phát huy vai trò "người chủ thực sự"
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đặt ra tầm nhìn xa hơn, không chỉ bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn định vị di sản văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới. Điểm nhấn quan trọng của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này là chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Chủ trương này tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tốt hơn vai trò "người chủ thực sự" của di sản tại chính nơi nó hiện diện. Khi chính quyền địa phương được trao quyền chủ động trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác giá trị di sản, họ không chỉ có thể xử lý linh hoạt các vấn đề phát sinh, mà còn có khả năng đưa ra những chính sách phù hợp với đặc thù văn hóa và tiềm năng của từng vùng miền. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mỗi di sản đều mang dấu ấn riêng về lịch sử, con người và bản sắc văn hóa của từng vùng.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội:
Mỗi người dân trở thành một “người bảo vệ” di sản
Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang làm tốt, nhưng vẫn vấp phải những khó khăn, thách thức, tồn tại và hạn chế. Nhiều quy định, chính sách đã không còn phù hợp với thực tế. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này đã đưa ra những điều khoản mới, không chỉ mang tính pháp lý mà còn thể hiện một khát vọng lớn lao trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đây là một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước và toàn xã hội đối với việc gìn giữ và phát triển kho tàng di sản văn hóa vô giá.
Điểm nổi bật của Luật lần này là xác định rõ hơn trách nhiệm của các bên, từ cơ quan quản lý đến từng cá nhân. Điều này giúp gia tăng ý thức cộng đồng, làm cho mỗi người dân trở thành một “người bảo vệ” và “người sáng tạo” trong việc giữ gìn di sản. Đây là yếu tố quan trọng với loại hình di sản văn hóa phi vật thể.
Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến:
Doanh nghiệp chung tay bảo vệ, phát huy di sản
Luật Di sản văn hóa hiện hành chưa quy định cụ thể nội dung các hoạt động, cơ chế để thu hút các nguồn lực của xã hội, huy động được sự đóng góp, tham gia của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa. Với thực tế cuộc sống hiện đại, khi bảo tồn, phát huy giá trị di sản, các địa phương cần phải có nguồn lực, nên việc thu hút doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là cần thiết.
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã kịp thời bổ sung, điều chỉnh những hạn chế này. Luật sửa đổi lần này đã đặt ra những điều khoản về mạng lưới để bảo vệ di sản và sự chung tay của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Đây là sự bổ sung cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên, để bảo đảm di sản không bị thương mại hóa, không bị biến dạng, các điều khoản cũng đặt ra những điều kiện cần và đủ để kiểm soát sự mở rộng, phát triển các hình thức đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp.
Lệ Quyên ghi