Công nghiệp văn hóa

Đánh thức "kho vàng" văn hóa bằng công nghệ số:Khơi mở tiềm năng bằng cách tiếp cận đa chiều

Mai Đình 14/12/2024 19:35

Trong nguồn tư liệu, tác phẩm khổng lồ cần được số hóa để bảo tồn, quảng bá, câu chuyện trong lĩnh vực nhiếp ảnh có lẽ sôi nổi hơn, cả về số lượng, cách thức thực hiện và giá trị mang lại cho cộng đồng.

Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, người giữ vai trò cố vấn và giám tuyển nhiều triển lãm ảnh tại Hà Nội.

- Thưa giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, anh nhận định như thế nào về sự cấp thiết trong chuyển đổi số các tác phẩm nhiếp ảnh hiện nay?

the-son2.jpg
Họa sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn.

- Từ khi nhiếp ảnh được chuyển đổi sang môi trường mạng, mức độ phổ biến rộng rãi hơn bởi việc đưa hình ảnh lên mạng đã không còn xa lạ với mọi người. Tuy vậy, việc số hóa theo hình thức bảo tàng, công nghệ thì chưa nhiều. Riêng đối với những bức ảnh tư liệu, được chụp cách đây hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm thì cần có công nghệ scan phim tốt. Đây là công việc mà các viện lưu trữ đã và đang làm. Thực tế ở nước ta chưa có bảo tàng nhiếp ảnh để có thể làm những việc đó. Thậm chí, ngay cả ở Bảo tàng Hà Nội, nơi lưu giữ hình ảnh của Thủ đô ngàn năm văn hiến, việc này cũng chưa được chú trọng. Việc lưu trữ, số hóa và quảng bá đến đông đảo công chúng có lẽ cần sự đầu tư nhiều hơn nữa.

- Việc chuyển đổi số có ảnh hưởng gì đến giá trị nghệ thuật của những tác phẩm ảnh không, thưa anh?

- Đó là hai việc khác nhau. Nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật, có thể xem là hướng phát triển theo chiều dọc; việc số hóa, lưu trữ có thể hình dung là cách quảng bá cho những hình ảnh đó. Ở nước ta có làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã góp phần đào tạo không ít thợ ảnh cho nước nhà.

Sự kiện nhiếp ảnh lớn mà Hà Nội tổ chức như Biennale nhiếp ảnh - photo Hà Nội năm 2021, 2023 bước đầu đã hình thành cách thức tổ chức sự kiện mang tầm quốc tế, theo quy chuẩn quốc tế, cách tiếp cận hình ảnh tư liệu theo hướng tác giả. Còn số hóa nhiếp ảnh là câu chuyện về mặt truyền thông, quảng bá hình ảnh, lại phụ thuộc nhu cầu của cơ quan lưu trữ, liên quan đến vấn đề bản quyền. Điều này cần có cơ chế rõ ràng để bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan.

- Là người có kinh nghiệm trong việc tổ chức Biennale nhiếp ảnh - photo Hà Nội 2023, theo anh, số hóa nhiếp ảnh nên được tiếp cận như thế nào?

- Chúng tôi muốn hướng công chúng đến chiều sâu, với những tác phẩm nhiếp ảnh được in ấn chất lượng cao, được trưng bày trong những không gian hợp lý, bởi nhiếp ảnh không chỉ có giá trị lịch sử, giá trị lưu trữ mà còn có giá trị nghệ thuật. Qua đây, chúng ta sẽ thấy được nhiều câu chuyện nhiếp ảnh trên thế giới, các tác giả đã phát triển sự nghiệp sáng tác của mình như thế nào. Ví dụ, với triển lãm “Hà Nội - một thành phố trong nhiếp ảnh” tổ chức vào năm 2023 tại 22 Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm), chúng ta có thể thấy sự đa dạng qua 16 lăng kính khác nhau, có dấu ấn tác giả rõ ràng từ 8 nghệ sĩ Việt Nam, 8 nghệ sĩ nước ngoài, trải dài suốt 100 năm, thông qua cách tiếp cận tư liệu gia đình.

Theo tôi, cần chú trọng cả hai hướng: Chiều sâu cũng như số hóa triển lãm. Triển lãm “Hà Nội - một thành phố trong nhiếp ảnh” đã được số hóa, quét 3D và có thể xem lại sau biennale bằng phần mềm. Chúng tôi coi đó là một phương pháp mở rộng đối tượng tiếp cận, cho những người xem không chỉ ở Việt Nam. Cách thức này cũng đang được các bảo tàng trên thế giới áp dụng, khiến cho người xem có cảm giác như được bước chân vào không gian thật của triển lãm. Để làm được việc này, chúng ta phải chuẩn bị không gian thật của triển lãm, nội dung triển lãm, sau đó mới scan để xem triển lãm trên nền tảng kỹ thuật số.

so-hoa.jpg
Bức tranh tường của họa sĩ Victor Tardieu tại tòa nhà Đại học Tổng hợp Hà Nội (số 19 Lê Thánh Tông) được làm mới bằng công nghệ mang đến cho người xem ấn tượng thị giác đặc biệt. Ảnh: Hoàng Trà

Việc số hóa không gian của một triển lãm hay của một bảo tàng không phải là điều quá mới mẻ, thực chất là một xu thế công nghệ, phát triển mạnh trong giai đoạn thế giới “mất kết nối”, chẳng hạn như trong thời gian xuất hiện dịch Covid-19. Hiện nay, nó trở thành giải pháp giống như thư viện ảo để mọi người dễ tiếp cận. Nếu triển khai ở dạng đơn giản thì sẽ không mất quá nhiều chi phí, nhưng như thế thì thiếu chi tiết và bị giới hạn về thời gian. Nếu để quét với bản chuyên nghiệp thì khá đắt, phải trả chi phí hằng năm. Tuy vậy, nhiếp ảnh nước ta đang được tiếp cận theo hướng khá đơn giản, miễn phí với tâm thế dễ dãi, chia sẻ tràn lan, mang tính giải trí nhiều hơn. Trong khi đó, nếu coi nhiếp ảnh là nghệ thuật, cần có sự giới thiệu tác giả cụ thể, chuyên nghiệp trong việc in ấn, trưng bày và tạo ra những hoạt động thu hút du khách.

- Hiện nay, có khá nhiều trưng bày, triển lãm vừa kết hợp hình thức tổ chức trực tiếp, song song với triển lãm 3D. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng những triển lãm này mới chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền?

- Việc nắm bắt, cập nhật công nghệ, với các trang web, đường link, mã QR để tra cứu thêm thông tin, hình ảnh... là điều nên làm. Nhưng tác phẩm được giới thiệu, triển lãm ra sao, thể hiện sự chuyên nghiệp của một triển lãm nhiếp ảnh là điều đáng quan tâm hơn, để nó đủ sức trở thành triển lãm nghệ thuật. Dường như chúng ta mới quan tâm nhiều đến yếu tố nội dung. Trong khi đó, để đạt tiêu chí về nghệ thuật cần có như: Ý tưởng trưng bày, cách thức in ấn, sự cần thiết của tác phẩm, không gian trưng bày... thì cần bàn tay của giám tuyển nghệ thuật. Những công việc này cần đội ngũ chuyên nghiệp.

- Ngoài hình thức trực tiếp, trực tuyến, chúng ta có thể có những hình thức khác để lan tỏa, quảng bá tác phẩm nhiếp ảnh, nhất là các tác phẩm có giá trị cả về nghệ thuật cũng như tính lịch sử, để công chúng có thể tiếp cận thường xuyên?

- Đương nhiên là chúng ta cần làm tốt về mặt truyền thông, thu hút sự chú ý thông qua các tour trải nghiệm, cuộc trò chuyện, diễn giải... Triển lãm cần có nhiều sự kiện bên lề để tạo sự chú ý trong thời gian dài. Nếu không có sự bài bản trong cách tổ chức thì chúng ta dễ đi vào “phong trào”, không có chiều sâu, lãng phí. Những tư liệu ấy cần được tiếp cận đa chiều. Cách tiếp cận của ngày hôm nay phải là khơi gợi cho công chúng niềm cảm hứng tìm hiểu quá khứ, tiếp cận nghệ thuật, đặc biệt là giới trẻ... Những yêu cầu ấy không đơn giản và cần bàn tay của những người chuyên nghiệp. Vì sao Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá lại thu hút nhiều du khách tham quan? Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, dù có quy mô nhỏ nhưng vẫn hấp dẫn người xem là vì sao? Điều đó có được là do bàn tay sắp xếp, tổ chức một cách khoa học. Chỉ khi nào Hà Nội có bảo tàng nhiếp ảnh thì chúng ta mới có thể kết hợp việc nghiên cứu, học tập, tìm hiểu nghệ thuật, giáo dục thế hệ trẻ một cách hiệu quả.

- Trân trọng cảm ơn anh!