Văn hóa

Nguyễn Mạnh Tuân - Trưởng thôn trẻ năng động, sáng tạo

Hồng Đạt 12/12/2024 - 07:14

Đảm nhận “vác tù và hàng tổng” từ khi bước vào tuổi 25, đến nay, anh Nguyễn Mạnh Tuân - Trưởng thôn Đầm Sản, xã Minh Quang (huyện Ba Vì) đã có 8 năm "thâm niên" công tác. Cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ chính quyền, anh Tuân còn tích cực dân vận trong giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Mường.

"Dân vận khéo" vì cộng đồng

img_20241211_102933.jpg
Sau khi anh Tuân và cán bộ thôn vận động nhân dân hiến đất làm đường, thôn Đầm Sản đã có những tuyến đường khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Hồng Đạt

Anh Tuân chia sẻ: “Khi mới nhận nhiệm vụ Trưởng thôn do cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân giao, tôi thấy có chút áp lực, do bản thân còn trẻ, kinh nghiệm cuộc sống hạn chế. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực, cố gắng học hỏi, trao đổi, lắng nghe, thấu hiểu, từ đó có hướng vận động nhân dân trong quá trình xây dựng quê hương”.

Điển hình là việc anh Tuân cùng tập thể lãnh đạo thôn vận động nhân dân hiến đất làm đường. Thời điểm các năm 2017, 2019, thôn được huyện Ba Vì đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp đường Đầm Sản 1, đường Đầm Sản 2, ngân sách nhà nước hỗ trợ nguyên vật liệu và kinh phí thi công hai con đường. Song, để làm được tuyến đường rộng, đáp ứng các loại phương tiện tham gia giao thông, các hộ gia đình có nhà ở ven đường phải hiến từ vài chục đến 100m2 đất.

Với vai trò là Trưởng thôn, anh Tuân cùng cấp uỷ Chi bộ thôn bàn bạc, thống nhất cách thức vận động nhân dân. “Mưa dầm thấm lâu”, anh đến từng nhà dân để giải thích, tuyên truyền về lợi ích khi đường mở rộng và được đổ bê tông, việc đi lại thuận lợi, an toàn, đồng thời cảnh quan nông thôn sạch, đẹp hơn. Dần dần, các hộ dân trong thôn hiểu và đồng thuận hiến đất để làm 2 tuyến đường này.

img_20241211_102312.jpg
Trên tuyến đường trục của thôn Đầm Sản có điểm thu gom rác tái chế, góp phần giữ gìn cảnh quan, môi trường. Ảnh: Hồng Đạt

Khi đó, cả thôn có 70 hộ ở ven 2 tuyến đường đều đồng thuận dỡ tường bao, chặt hạ cây để hiến đất với tổng diện tích 2.500m2. Đến nay, tuyến đường đã được mở rộng từ hơn 2m lên 3,5-5m. Nhân dân trong thôn cũng tham gia đóng góp gần 200 ngày công để dọn dẹp khi thi công các tuyến đường. Bà Đinh Thị Thanh - một trong số những hộ dân ở thôn Đầm Sản đã tham gia hiến đất phấn khởi nói: “Trưởng thôn Tuân đã tuyên truyền, giải thích để gia đình tôi và các hộ khác hiểu, đồng thuận hiến đất. Giờ thôn có đường rộng, đẹp, đi lại thuận tiện, chúng tôi rất vui...”.

Một thành công nữa của Trưởng thôn Tuân là đã vận động được 4 hộ trả lại đất công cho địa phương. Trước đây, diện tích nghĩa trang nhân dân thôn Đầm Sản rộng khoảng 18.000m2, đang sử dụng 4.000m2 cho việc chôn cất, cải táng và có 4 hộ gia đình sử dụng khu đất còn lại của nghĩa trang để canh tác, trồng các loại cây, như bạch đàn, keo…

"Chúng tôi rất hiểu tâm tư của các hộ, nên lãnh đạo xã Minh Quang, thôn Đầm Sản đã tổ chức 11 cuộc họp với 4 hộ để tuyên truyền, giải thích về công tác quản lý Nhà nước đối với đất công; đồng thời động viên, chia sẻ băn khoăn của họ... Nhờ kiên trì thuyết phục, 4 hộ đã đồng thuận trả lại diện tích 14.000m2 đất công cho địa phương", Trưởng thôn Tuân cho hay.

Khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Là người dân tộc Mường, anh Tuân luôn đau đáu đến việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Với vai trò Trưởng thôn, anh Tuân cho rằng, bản thân phải có trách nhiệm khôi phục, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình...

img_20241211_102250.jpg
Anh Tuân (mặc áo trắng) đã giúp thôn thành lập đội cồng chiêng và sưu tầm những vật dụng sinh hoạt hằng ngày của dân tộc Mường. Ảnh: Hồng Đạt

Nghĩ là hành động, anh trực tiếp hỏi ý kiến những người cao tuổi, tổ chức họp với các chi hội, đoàn thể thôn để tìm giải pháp khôi phục. Nhờ đó, năm 2017, thôn Đầm Sản đã thành lập được 1 đội cồng chiêng với 22 thành viên. Đội dần dần khôi phục các bản nhạc cồng chiêng, bài hát dân ca và sưu tầm những vật dụng sinh hoạt hằng ngày của dân tộc Mường; tổ chức biểu diễn trong các ngày lễ, tết, được nhân dân trong thôn đánh giá cao. Trong 4 năm xã Minh Quang tổ chức Hội thi nói tiếng dân tộc Mường, đội thi thôn Đầm Sản đã giành 2 giải Nhất, 1 giải Nhì và một cá nhân được giải Xuất sắc.

Đặc biệt, trong dịp hè vừa qua, anh Tuân đã xin tài liệu dạy tiếng Mường ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hoà Bình và cùng 6 ông, bà cao tuổi là người dân tộc Mường tổ chức dạy tiếng Mường cho trẻ em trong thôn. Trong hơn 2 tháng hè, đã có khoảng 50 trẻ được học tiếng Mường bài bản, với 8 chủ đề: Nghe, nói, đọc, thực hành giao tiếp, tìm hiểu văn hóa dân tộc Mường, hiểu biết về dụng cụ sinh hoạt và ẩm thực của người Mường…

img_20241211_103616.jpg
Lớp dạy học tiếng Mường ở thôn Đầm Sản giúp giữ gìn bản sắc dân tộc. Ảnh: Hồng Đạt

Cháu Nguyễn Thị Ánh ở thôn Đầm Sản chia sẻ: “Cháu rất vui khi tham gia học lớp tiếng Mường do thôn tổ chức. Qua đó, cháu đã hiểu và thêm yêu tiếng dân tộc mình. Sau khi học, cháu và các bạn trong thôn nói chuyện bằng tiếng Mường nhiều hơn. Cháu cũng sẽ cố gắng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc”.

Tâm huyết vì cộng đồng, Trưởng thôn Nguyễn Mạnh Tuân đã góp phần tích cực để thôn Đầm Sản luôn giữ vững danh hiệu "Thôn văn hóa cấp huyện". Nhiều năm liền, Trưởng thôn Nguyễn Mạnh Tuân được UBND xã Minh Quang, huyện Ba Vì khen thưởng trong các phong trào thi đua do các cấp phát động; năm 2022, anh được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang Nguyễn Mạnh Thước đánh giá, Trưởng thôn Đầm Sản Nguyễn Mạnh Tuân là người năng động, nhiệt tình, sáng tạo, xuất sắc trong thực hiện công tác dân vận, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...