Khuyến đọc Việt Nam: Cần lắm một ''cú hích''
Sách - Ngày đăng : 06:05, 04/09/2022
Trong nhiều buổi trò chuyện về sách và văn hóa đọc, không ít “hiệp sĩ văn hóa đọc” đã bày tỏ sự tiếc nuối khi rất nhiều gia đình Việt Nam không có tủ sách, hoặc kệ sách chỉ lèo tèo vài cuốn sách giáo khoa phục vụ việc học tập của con cháu. Nỗ lực đưa việc đọc vào “thực đơn” mỗi ngày của những người trẻ, nhiều không gian sách và các hoạt động về sách đã được tổ chức.
Không gian trưng bày sách và văn hóa đọc tại trụ sở Thái Hà Books Tower có thể coi là “bảo tàng” sách đầu tiên tại Việt Nam với hàng trăm ấn bản cổ, độc, hiếm từ thế kỷ XVI - XVIII của Việt Nam và thế giới. Đó là các bản kinh Phật bằng tiếng Khmer viết trên lá buông, là hơn 150 đầu sách cổ đa dạng về thể loại như tiểu thuyết, kinh thánh, truyện, thơ, lịch sử từ các ngôn ngữ Anh, Pháp, Ý... hay các phiên bản sách đặc biệt được làm bằng các chất liệu truyền thống, do những nghệ nhân từ các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam gia công.
Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), “bảo tàng” sách của Thái Hà Books là mô hình giá trị, cần được nhân rộng bởi “bảo tàng” góp phần lan tỏa tình yêu sách, làm sáng rõ giá trị của sách.
Không gian trưng bày sách và văn hóa đọc chỉ là một trong những hoạt động trong Dự án Khuyến đọc Việt Nam đã được Thái Hà Books phát động từ tháng 2-2022. Đến nay, sau 6 tháng “chạy” chương trình, nhiều hoạt động đã được triển khai và đạt được thành quả nhất định. Các ATM tủ sách tiếp tục “mọc” lên trên cả nước với 62 tủ sách đã được xây dựng tại các trường học, cơ quan và tổ chức cộng đồng từ Bắc vào Nam. Với khát vọng lan tỏa văn hóa đọc đến mọi miền, ATM tủ sách với 220 cuốn sách mỗi tháng được gửi đến bạn đọc trên cả nước.
Những buổi trò chuyện trực tuyến như livestream, talk show, giao lưu cùng tác giả, dịch giả, chuyên gia về chủ đề sách tiếp tục được tổ chức, thu hút đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước tham gia. Trong 6 tháng qua, Thái Hà Books đã triển khai 8 số livestream và nâng tổng số chương trình livestream hằng tháng lên 30 số kể từ khi triển khai vào năm 2021.
Đều đặn mỗi tháng, chuỗi chương trình Reading Books Together của Câu lạc bộ Yêu sách Thái Hà lại diễn ra, tính đến nay đã có 91 số được tổ chức. Ở mỗi buổi giao lưu, chuyên gia nói chuyện về khuyến đọc, hướng dẫn cách đọc, khích lệ sự đọc trong bầu không khí gần gũi, ấm cúng, giúp các bạn trẻ tiếp cận vấn đề một cách dễ dàng hơn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thái Hà Books, thành công lớn nhất của Dự án Khuyến đọc Việt Nam là góp phần làm thay đổi thái độ đọc, thói quen đọc của bạn đọc nói chung theo hướng tích cực. Điều này được thể hiện qua số lượng thư, email, tin nhắn gửi đến mỗi ngày, cho thấy thành công của độc giả khi họ đọc và ứng dụng điều đã đọc vào cuộc sống. Hình ảnh tràn đầy năng lượng, niềm hạnh phúc của độc giả sau khi đọc những tác phẩm yêu thích chính là động lực để những người làm công tác xuất bản, những "hiệp sĩ văn hóa đọc" tiếp tục gieo hạt mầm đọc sách ở khắp nơi.
Mặc dù Dự án Khuyến đọc Việt Nam đã có nhiều hoạt động được triển khai và thu được kết quả nhất định, nhưng ông Hùng cho rằng chúng ta vẫn cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác khuyến đọc - một "cú hích" lớn có sự tham gia của cả cộng đồng.
“So với một số nước trong khu vực, công tác khuyến đọc ở Việt Nam chúng ta vẫn chưa thật sự tốt. Chúng ta cố gắng rất nhiều nhưng vẫn còn chưa đủ. Chúng ta chưa thật sự có những cơ quan truyền thông lớn chuyên tâm về văn hóa đọc, về khuyến đọc. Chúng ta vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các đơn vị xuất bản với các cơ quan báo chí truyền thông, các kênh mạng xã hội vẫn chưa được tận dụng tối đa” - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Các cơ quan, ban, ngành, các trường học, doanh nghiệp và gia đình cùng quan tâm hơn nữa, đầu tư nhiều hơn nữa cho sách và văn hóa đọc thì sẽ ngày càng nhiều ngôi nhà có “tủ sách to hơn tủ lạnh”. Khi đó, số lượng bạn đọc sẽ tăng lên và văn hóa đọc sẽ có bước chuyển về chất...