Điểm nóng

Diễn biến thay đổi cục diện

Đại sứ Trần Đức Mậu 10/12/2024 - 06:48

Chỉ trong ít ngày vừa qua, sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Bashir al-Assad ở Syria bởi sự trỗi dậy bất ngờ và tấn công quân sự mạnh mẽ của lực lượng Hay'at Tahrir al-Scham (HTS) là đột biến mới nhất về chính trị an ninh ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.

Nó làm thay đổi rất cơ bản cục diện địa chiến lược, tác động rất mạnh mẽ đến chiều hướng diễn biến những cuộc chiến tranh và xung khắc giữa nhiều bên với nhau dai dẳng lâu nay ở khu vực này.

Thật sự bất ngờ khi lực lượng HTS sau nhiều năm ngừng chiến khá im ắng trong thời gian chỉ có hơn 10 ngày đã lật đổ được chính quyền của ông Bashir al-Assad, chấm dứt 54 năm dòng tộc Assad trị vì Syria và 24 năm cầm quyền liên tục của ông Bashir al-Assad.

Một triều đại tồn tại suốt hơn nửa thế kỷ bỗng chốc đổ sập như ngôi nhà đồ chơi xếp bằng những quân bài tú lơ khơ. Mấy ai trước đấy có thể ngờ đến và dự liệu được kết cục này? Thật sự bất ngờ khi cả quân đội Chính phủ Syria lẫn Nga đều gần như không có hành động gì để cản bước tiến quân của lực lượng HTS. Nga can dự quân sự trực tiếp vào Syria từ năm 2015 nhưng giờ có vẻ như quyết định buông bỏ Syria. Nga giúp ông Assad thoát hiểm và duy trì được quyền lực ở Syria từ đó đến nay nhưng giờ dường như không còn sẵn sàng chấp nhận hao công, tốn của để giải cứu đồng minh chiến lược này thêm lần nữa.

Cả Nga lẫn ông Assad và trong chừng mực nhất định là cả Iran và Iraq nữa, đều quá chủ quan về phòng ngừa lực lượng HTS lại trỗi dậy và thắng thế. Có vẻ như Nga đã quá lún sâu vào cuộc chiến tranh ở Ukraine nên không thể kịp thời điều binh, khiển tướng, tăng cường viện binh đến Syria để chặn đà tiến công của phe HTS. Bởi vậy, kết cục kết thúc triều đại Assad ở Syria cũng còn là thất bại chiến lược và chiến thuật của Nga, Iran và Iraq.

Cuộc chơi quyền lực và ảnh hưởng địa chính trị ở Syria lại được bắt đầu mới và nó làm thay đổi căn bản cục diện địa chiến lược ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.

Các quốc gia Ả rập trong khu vực hụt hẫng lớn khi vừa mới bình thường hóa trở lại và xích lại gần chính thể của ông Assad thì chính thể này giờ đã sụp đổ. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ gặt hái được nhiều nhất từ biến cố mới vì từ trước đến nay luôn hậu thuẫn và sử dụng lực lượng HTS. Ba cái lợi trước mắt cho Thổ Nhĩ Kỳ là việc tấn công người Kurd càng dễ thành công khi HTS lên nắm quyền ở Syria, là có thể đẩy trả hơn 2,5 triệu người Syria tỵ nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ về Syria và có thể loại trừ ảnh hưởng của Nga và Iran ra khỏi Syria. Iran bị mất một đồng minh quan trọng và bị rơi rụng một mắt xích chiến lược trong tập hợp lực lượng liên thủ cùng đối địch Israel. Mỹ và phương Tây hả hê khi chính thể của ông Assad sụp đổ và ông Assad phải tị nạn ở nước ngoài nhưng không thể không quan ngại về bản chất của lực lượng HTS.

Thực chất, HTS bị họ coi là khủng bố. Lực lượng HTS xuất thân ban đầu là một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeada cho dù về sau đoạn tuyệt với Al-Qeada. Câu hỏi lớn về lực lượng HTS rồi đây sẽ trở thành đối tác hay là mối đe dọa an ninh và khủng bố đối với Mỹ và phương Tây hiện chưa có được câu trả lời. Israel cũng không thể không quan ngại sâu sắc vì lực lượng HTS trong các biểu lộ quan điểm công khai cho thấy thiếu thân thiện với Israel hơn nhiều so với ông Assad ở Syria.

Cục diện tình hình ở khu vực này và ở Syria giờ đây phụ thuộc vào phe HTS có bình ổn được tình hình ở Syria hay không, nội chiến mới có bùng phát hay không và HTS sẽ thực thi chính sách đối nội và đối ngoại nào.