Nhà văn Vũ Bình Lục: “Phận người, phận chữ... vốn đa đoan!”
Trong số 30 đầu sách của Vũ Bình Lục có 14 công trình biên khảo, lý luận phê bình văn học, văn hóa và lịch sử, được gọi chung là “giải mã” văn học Trung đại.
Theo thống kê, nhà văn Vũ Bình Lục đã có hơn 10.000 trang “giải mã” kho báu văn chương của dân tộc. Ông được đánh giá là một trong những chuyên gia hiếm hoi trong lĩnh vực này và mới đây ông vừa được trao tặng Giải thưởng Đào Tấn cho những đóng góp bền bỉ, giá trị của mình.
“Phận người, phận chữ... vốn đa đoan!”
“Số mình vất vả!” - nhà văn Vũ Bình Lục bộc bạch ngắn gọn mà tâm trạng về cuộc đời mình. Ông từng tự thuật trong bài thơ nhan đề “Phận chữ phận người”: “Gấp trang giáo án đợi hè sang/ Chữ gửi người đi, tưởng được nhàn/ Ai biết trông cây còn phải đợi/ Phận người, phận chữ... vốn đa đoan!”.
Năm 19 tuổi, chàng trai Vũ Bình Lục tạm biệt quê hương Thái Thụy (Thái Bình) lên đường nhập ngũ và trở thành lính của Tiểu đoàn đặc công 409, Quân khu 5, chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi. Gần 2 năm sau đó, trong một trận đánh ông bị một mảnh đạn cối găm vào đầu, bị thương nặng. Sau khi bình phục, ông được đưa vào Ba Tơ (Quảng Ngãi) học Trường Bồi dưỡng cán bộ đặc công, sau đó trở lại làm trợ lý tham mưu Tiểu đoàn đặc công 409. Nhưng vết thương cộng với điều kiện chiến đấu khó khăn khiến người lính không thể gắng gượng được lâu. Đến cuối năm 1970, ông được ra Bắc phục viên.
Về địa phương Vũ Bình Lục tiếp tục hoàn thành nốt kỳ học lớp 10 mà ông đã phải bỏ dở để lên đường ra trận. Năm 1973, sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông vào học khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội cùng với những bạn học sau này trở thành các nhà văn, nhà thơ như Trần Hòa Bình, Trần Thị Trâm, Nguyễn Thị Mai, Bùi Mạnh Nhị... Ngày bước vào giảng đường, Vũ Bình Lục đã 25 tuổi, mới cưới vợ được 1 năm. Vợ ông là một cô gái người cùng làng, cũng đang theo học ngành Sư phạm.
Ngót 30 tuổi mới tốt nghiệp đại học, Vũ Bình Lục bỏ lỡ hàng loạt cơ hội trở thành giảng viên tại nhiều ngôi trường danh giá như Đại học Sư phạm 2 (ở Xuân Hòa, Vĩnh Phúc), Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ chỉ vì "đèo bòng" vợ con, ngại phải đi lại “một chốn đôi nơi”. Và ông về quê dạy học.
Thế rồi những chuyến vào Nam thăm người thân dịp nghỉ hè đã nhen nhóm trong tâm trí anh giáo làng Vũ Bình Lục ý tưởng gây dựng cuộc sống nơi miền quê mới. Nhìn những dải đất đỏ bazan phì nhiêu, thân cây cắm xuống lên xanh rời rợi, đơm hoa kết trái bạt ngàn, anh mơ làm chủ đồn điền cà phê. Thế nhưng, cũng phải mất hơn 10 năm kể từ lần đầu tiên đặt chân đến đất Tây Nguyên, Vũ Bình Lục mới quyết định định cư ở nơi này. Năm 1998, đã 50 tuổi, bán hết nhà cửa, ông đưa vợ con vào Tây Nguyên. Mới đầu, chưa có tiền mua đất, ngoài giờ dạy, làm quản lý, làm công tác Đảng ở Trường THPT Krông Pắc (sau này đổi thành Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm), ông giáo Lục phải nai lưng cày cuốc trên mảnh đất canh tác thuê của đồng bào dân tộc. Ngày ngày vợ chồng ông trồng bắp, chăm bón cà phê những mong đổi đời. Thế nhưng Vũ Bình Lục sớm nhận ra vợ chồng ông “không gặp thời”. Cà phê được mùa thì lại mất giá, có thời điểm giá cà phê nhân tụt xuống thảm hại chỉ còn 4.000 đồng/kg. Để mua được một dàn máy vi tính phục vụ cho giảng dạy, viết lách, Vũ Bình Lục phải bán đến 3 tấn cà phê. Thơ ông có những câu viết về những năm bĩ cực này: “Có một thời hoang dã/ Ta đâu là chính ta/ Có một thời chí cả/ Thoi thóp giữa rừng già/ Nỗi buồn xanh nấm dại/ Bụi đỏ che mặt đời/ Muốn gào lên một tiếng/ Sợ vỡ trời, lại thôi (“Có một thời như thế”).
Dường như mọi ngả rẽ đều đi vào ngõ cụt, Vũ Bình Lục nghỉ hưu sớm, rời bục giảng 30 tháng trước khi đủ tuổi hưu. “Xa quê biền biệt mấy mươi năm/ Nhớ thương dầu dãi xót xa lòng” (“Tự cảm”), gia đình ông lại cùng nhau ra Bắc, mua nhà, chuyển nhà đến 2 - 3 lần mới ổn định, con cái phương trưởng thì người vợ tào khang của ông không may lâm bệnh rồi qua đời. Tuổi xế chiều, nhà văn Vũ Bình Lục hiện sống một mình trong một căn hộ tại khu đô thị mới ở ngoại thành.
“Qua cổng chữ, người kim đưa người cổ...”
Bài thơ có nhan đề “Cổng chữ” của Vũ Bình Lục công bố cách đây 4 năm có mấy câu mở đầu: “Qua cổng chữ có ngôi đền thiêng/ thờ Hi Vọng/ người từ thiên thu khăn xếp áo thâm/ nô nức chen vai bươn bả/ Qua cổng chữ/ người kim đưa người cổ/ khăn chàm áo bả nhấp nhô”...
Ý thức về “cổng chữ” thực chất đã có trong Vũ Bình Lục từ những ngày thơ. Ngày ấy, cậu bé Lục lên lớp 3, lớp 4 đã là “mọt sách”, đã nghiền ngẫm những tiểu thuyết chương hồi, cổ điển của Trung Quốc, rồi sách văn học của Nga, Pháp. Lên lớp 5, hết sách để đọc, Vũ Bình Lục phải cuốc bộ lên nhà thầy giáo cách nhà đến gần 20 cây số để mượn sách về đọc.
Trong bao nỗi niềm, khó nhọc của phận người, chiến tranh rồi hòa bình, vào Nam ra Bắc, bộn bề công việc, vừa cầm phấn vừa cầm cuốc, Vũ Bình Lục vẫn dành một góc tâm hồn, tâm trí cho chữ nghĩa. Thời đại học, ông là một trong 8 sinh viên được tuyển chọn học nâng cao về cổ văn, được cấp chứng chỉ. Cũng những năm tháng này, ông có thơ, truyện đăng Tạp chí Văn nghệ Quân đội. “Mỗi bài thơ đăng tạp chí được 6 tháng báo biếu, trả nhuận bút 20 đồng đủ để sống cả tháng. Thời đó phụ cấp sinh viên là 21 đồng” - nhà văn Vũ Bình Lục hồi tưởng.
Vào Đắk Lắk rồi, đọc trên sách báo những lời bình văn thơ cổ, bao suy nghĩ về việc đính chính những điều chưa tỏ gợn lên trong ông. Nơi “thâm sơn”, ông giáo làng kiêm "chủ đồn điền" muốn gửi ý kiến phản biện thì phải viết tay ra giấy rồi thuê người đánh máy gửi đến tòa soạn. Những bài viết đầu tiên của Vũ Bình Lục kể từ khi vào Tây Nguyên phản biện lại thông tin về một bài thơ chữ Hán của đại thi hào Nguyễn Trãi in trên Tạp chí Văn nghệ Công an. Tiếp sau đó là những bài viết về Ức Trai, về nữ sĩ Hồ Xuân Hương và ngày càng nhiều những bài viết xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ Công an, Tài hoa trẻ, Tri thức trẻ. Những năm 2003 - 2004, Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức cuộc thi thơ, vượt qua hơn 3.000 tác giả với hơn 9.000 bài thơ khắp nơi gửi về, nhà văn Vũ Bình Lục được trao giải Nhất với bài thơ “Đám cưới một linh hồn” mang nỗi niềm tâm sự của người lính Trường Sơn về lại chiến trường xưa.
Việc yêu thích nhất của Vũ Bình Lục là "giải mã" văn học Trung đại. Sau khi nghỉ hưu, trở ra Bắc, ông dành trí lực đi sâu vào văn và sử, đọc, dịch, tìm hiểu, giải mã nhiều tác giả, tác phẩm lớn của nền văn học dân tộc. Hơn thế, ông còn say mê phản biện, đi tới cùng những vấn đề của văn chương cổ. Tính đến thời điểm hiện tại, về lĩnh vực nghiên cứu - phê bình văn học, tác phẩm đáng chú ý của nhà văn Vũ Bình Lục có thể kể đến những cuốn “Giải mã thơ chữ Hán và bình thơ Nôm của Nguyễn Trãi”, “Giải mã thơ Lý - Trần” (5 tập, gồm 2.800 trang), “Hồn thiền trong thơ Lý - Trần” (700 trang), “Thánh thơ Cao Bá Quát” (hơn 700 trang), “Giải mã thơ chữ Hán Việt Nam từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 19” (2 quyển, gồm 1.600 trang), “Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn” (756 trang) và “Vừa đi vừa nghĩ” (1.050 trang)...
Trong khuôn khổ tọa đàm khoa học với chủ đề “Nhà văn Vũ Bình Lục và các công trình giải mã văn học Trung đại” diễn ra mới đây, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã trao tặng Giải thưởng Đào Tấn cho nhà văn Vũ Bình Lục nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của ông. Giải thưởng được khởi xướng lần đầu cách đây 24 năm tôn vinh những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Tuổi tác nhiều thêm nhưng đam mê vẫn không hề vơi cạn, đắm đuối "giải mã" văn học cổ, ông như tìm thấy niềm vui, lẽ sống của mình trong đó, âu cũng là cách ông khỏa lấp những lận đận của phận chữ, phận người mà ông trót đa đoan.