Trưng bày cổ vật, tranh dân gian quý về tín ngưỡng thờ cúng của người Việt
Gần 250 hiện vật, cổ vật, tranh dân gian quý về tín ngưỡng thờ cúng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được nhà sưu tầm Phạm Đức Sĩ giới thiệu đã cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quý về văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.
Ngày 9-12, nhà sưu tầm Phạm Đức Sĩ tổ chức trưng bày “Riêng một con đường”, giới thiệu bộ sưu tập các hiện vật, tranh dân gian quý trong kho tàng cổ vật mà anh sưu tầm trong suốt 25 năm qua. Với niềm đam mê với cổ vật, nghệ thuật, nhiều năm qua Phạm Đức Sĩ sưu tập gốm tiền sử cho đến thời Hán Đường và tranh dân gian Việt Nam.
Anh tâm sự, từng nhiều lần có ý định trưng bày bộ sưu tập của mình, nhưng vì nhiều lý do, chưa làm được. Anh đã xuất bản cuốn sách “Tranh thờ Việt Nam” vào năm 2009, với khoảng 200 tranh thờ chủ yếu là tranh thờ của các dân tộc ít người phía Bắc với những bài viết nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trong nước. Cuốn sách là một công trình có chất lượng về mảng tranh tín ngưỡng sắc tộc này, với những tác phẩm cụ thể, đầy mầu sắc và không khí tôn giáo cổ xưa trên các vùng núi.
Lần này, anh làm triển lãm mang tên “Riêng một con đường”, công bố một số hiện vật trong bộ sưu tập của mình. Triển lãm giới thiệu khoảng 50 hiện vật đồ đá thuộc các thời kỳ khảo cổ Phùng Nguyên, Gò Mun và Đông Sơn; khoảng 100 hiện vật đồ gốm thuộc các thời kỳ Phùng Nguyên, Gò Mun, Đông Sơn và Hán Việt; khoảng 70 tranh thờ miền núi, của các sắc tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Dìu và người Kinh.
Các hiện vật đồ gốm được trưng bày tại triển lãm tập trung vào đồ gốm Hoa Lộc có cách đây khoảng từ 5000 đến 4000 năm. Gốm Hoa Lộc có tạo dáng thô và dày, hoa văn riêng biệt, cùng nhiều con dấu hoa văn dùng để in trên vải. Tiếp đến là gốm Phùng Nguyên mở đầu cho thời kỳ Hùng Vương với sự hình thành của nhà nước sơ khai. Sau đó là các nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun. Các di vật gồm nhiều đồ gốm với tạo dáng phong phú và các bảng hoa văn khác nhau, chủ yếu là hoa văn hình học cách điệu, nằm trong cấu trúc hình sin hoặc theo nhịp điệu trang trí vòng quanh bình gốm.
Về các hiện vật thời kỳ đồ đá, Phạm Đức Sĩ sưu tập các hiện vật kéo dài từ thời kỳ Đồ đá mới cho đến thời kỳ Đồ đồng và Đồ sắt (Đông Sơn), gồm các loại công cụ lao động, như rìu, đục, chầy đập vỏ cây, cho đến các loại trang sức như khuyên tại, vòng tay và các vật đeo trên cổ. Một số hiện vật giới thiệu trong trưng bày được tìm thấy trong quá trình đào bới tự nhiên của những người nông dân khi lao động sản xuất. Một số hiện vật khác được những người khai thác cát trên các dòng sông, như sông Lô, sông Cầu tìm được.
Điểm nhấn của trưng bày lần này là bộ sưu tập các bức tranh dân gian quý về tín ngưỡng thờ cúng của đồng bào dân tộc miền núi như: Tranh thờ của người Tày, Dao, Nùng, Sán Dìu…
Sau hơn 25 năm sưu tập, trao đổi và nghiên cứu, nhà sưu tầm Phạm Đức Sĩ sở hữu số lượng lớn các hiện vật, tranh dân gian khá quý hiếm. Trong đó có những hiện vật được xếp vào hàng “độc và lạ”, chẳng hạn như tấm thẻ bằng ngà voi của dân tộc vùng cao dùng trong nghi lễ tôn giáo đầu thế kỷ XVII; đèn đồng mạ vàng hình rồng niên đại thế kỷ II Sau công nguyên. Những hiện vật này cũng được giới thiệu rộng rãi tại trưng bày lần này.
Trưng bày “Riêng một con đường” kéo dài đến hết ngày 14-12 tại phòng nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội Nhà văn (65 Nguyễn Du).