2(2).jpg
Công nghệ

Tiêu dùng xanh để bảo đảm tương lai tốt đẹp cho các thế hệ sau

Tin và ảnh Thu Hằng 09/12/2024 - 13:23

Sáng 9-12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Giải pháp thúc đẩy tiêu dùng xanh góp phần bảo vệ môi trường - Vai trò của trí thức”.

2(2).jpg
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết: Tiêu dùng xanh là việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ có tác động ít đến môi trường, giúp giảm thiểu rác thải và tiêu tốn tài nguyên, là giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững. Tiêu dùng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, để thực hiện cam kết NetZero vào năm 2050, tiêu dùng xanh đã được Chính phủ đưa vào một trong 4 mục tiêu lớn tại Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, bao gồm: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

4(1).jpg
Quang cảnh buổi hội thảo

Tiêu dùng xanh mang đến nhiều lợi ích trong sản xuất và tiêu dùng, tuy nhiên, đang gặp phải một số khó khăn, thách thức, đó là: Giá hàng hóa, dịch vụ còn cao; thói quen tiêu dùng vẫn chưa được cải thiện; ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa tốt; việc hình thành chuỗi cung ứng xanh từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu dùng còn hạn chế... đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững cũng như tiêu dùng xanh.

Tiêu dùng xanh là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng vai trò của người phụ nữ là vô cùng quan trọng bởi vì họ là những người quyết định chính trong tiêu dùng xanh của mỗi gia đình và tổ chức nơi họ làm việc.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các biện pháp, cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các bên liên quan nhằm thúc đẩy tiêu dùng xanh, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

6b.jpg
TS. Nguyễn Ngọc Sơn trình bày tham luận

Theo TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, chưa thực sự gắn kết với xu hướng tiêu dùng xanh. Do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, liên kết chuỗi chưa sâu, dịch bệnh xảy ra nên chất lượng sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bất cập, việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh còn nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát sau giết mổ khi sử dụng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi chưa được xử lý triệt để... Nước ta hiện vẫn chưa có một hệ thống chính sách đồng bộ, rõ ràng để hỗ trợ và khuyến khích phát triển chăn nuôi xanh.

Để phát triển chăn nuôi gắn với tiêu dùng xanh, theo TS. Nguyễn Ngọc Sơn, cần xây dựng và thực hiện hiệu quả thể chế ngành chăn nuôi; nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển giống vật nuôi; chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi; tổ chức liên kết gắn với thị trường, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn thực phẩm... Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và sự đồng thuận của người chăn nuôi với người tiêu dùng.

3a.jpg
TS. Phạm Thị Liên trình bày tham luận

Theo TS. Phạm Thị Liên (Hội Nữ trí thức Việt Nam), để thúc đẩy tiêu dùng xanh tại Việt Nam, cần có sự phối hợp giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Người dân cần thay đổi thói quen tiêu dùng, doanh nghiệp cần tăng cường trách nhiệm xã hội và nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả. Những giải pháp này sẽ góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững, hướng tới một môi trường sống trong lành và bảo đảm tương lai tốt đẹp cho các thế hệ sau.