Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội: Nơi viết nên những điều kỳ diệu của cuộc sống
Nhờ áp dụng nhiều sáng kiến và giải pháp, tuổi thọ của nhiều người khuyết tật nặng tại Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội (xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội) ngày càng được kéo dài hơn.
Nhiều người từ chỗ không tự chăm sóc được bản thân, nay vừa tự lo được cho mình, vừa có thể tham gia chăm sóc, học và dạy chữ nổi cho người khuyết tật khác. Từng ngày, những câu chuyện diệu kỳ tiếp tục được viết nên tại nơi đây.
Sự sống diệu kỳ
Cách nay hơn 2 tháng, bé N.T.L ra đời với tình trạng khuyết tật nặng, sức khỏe rất yếu. Sau khi được Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội tiếp nhận, hiện nay, với sự hỗ trợ của cán bộ, nhân viên trung tâm, sức khỏe của bé đã có chuyển biến bước đầu tích cực.
Còn trường hợp V.V.L bị não úng thủy từ nhỏ, gặp nhiều hạn chế, khó khăn trong sinh hoạt, học tập. Thế nhưng, ít ai ngờ, V.V.T đã vượt qua mọi thách thức của cuộc sống, nay đã vào tuổi 17, từng bước ổn định sức khỏe.
Không hiếm những trường hợp như vậy đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội. Giám đốc Trung tâm Phùng Công Lợi không giấu nổi niềm vui, tự hào khi chia sẻ: “Tôi hạnh phúc khi thấy có những cháu, trước không tự vệ sinh cá nhân được, nay không chỉ tự chăm sóc được bản thân, mà còn biết tham gia hỗ trợ chăm sóc trẻ khuyết tật nhỏ hơn. Có cháu sau hơn 20 năm lớn lên, trưởng thành tại trung tâm, được cử đi học chữ nổi, nay quay lại tham gia dạy chữ nổi cho người khiếm thị. Nhiều cháu được học nghề, có công ty bảo lãnh ra cộng đồng làm việc. Có những cháu nhỏ khuyết tật được tham gia lớp học hòa nhập và học không thua kém những bạn nhỏ bình thường". Năm 2023, trung tâm có 3 cháu dạng khuyết tật nặng tham gia lớp học hòa nhập cấp tiểu học, thì có 2 cháu đạt học sinh giỏi. Đặc biệt, nhiều người khuyết tật nhiều năm sinh sống, già đi tại trung tâm, trong đó, nhiều cụ đã hơn 90 tuổi, vẫn mạnh khỏe và minh mẫn.
Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội tiền thân là Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Trung tâm có 96 cán bộ, nhân viên, đang cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và hỗ trợ toàn diện cho 320 người khuyết tật. Đa phần người khuyết tật được tiếp nhận không có gia đình, người thân, hoặc gia cảnh khó khăn. Nhiều người bị bại não, bại liệt, bị hội chứng Down. Trung tâm chính là ngôi nhà của họ. Cán bộ và nhân viên trung tâm là người thân của họ.
Những sáng kiến và giải pháp hữu hiệu
Là nơi tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống, người khuyết tật cần sự bảo vệ khẩn cấp, trẻ em bị khuyết tật không có nguồn nuôi dưỡng..., thời gian qua, Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội áp dụng nhiều đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc người khuyết tật. Chia sẻ về những sáng kiến và giải pháp của đơn vị, Giám đốc Phùng Công Lợi cho biết: “Chúng tôi chú trọng đặc biệt đến chăm lo về dinh dưỡng. Do thức ăn dành cho nhiều người khuyết tật thường phải xay nhỏ, nên càng phải giám sát chặt chẽ, chuẩn về định lượng, đa dạng và phù hợp với từng dạng khuyết tật. Thêm nữa là việc tổ chức thăm khám y tế cũng được quan tâm". Trung tâm bố trí xe cho người khuyết tật được thăm khám thường xuyên tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Nhi Hà Nội. Người khuyết tật được hỗ trợ điều trị theo đơn thuốc do bác sĩ kê, có phác đồ điều trị rõ ràng.
Đáng chú ý, trung tâm cũng được quan tâm đầu tư trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ người khuyết tật tập luyện phục hồi chức năng ngay tại đơn vị. Mỗi ngày, trung tâm dành 30 phút để cán bộ, nhân viên và người khuyết tật tập luyện, thi đấu thể thao. Tuy nhiên, thực tế, các cuộc tập luyện, sinh hoạt thể thao thường kéo dài từ 1 đến 2 giờ tạo không khí hòa đồng, gắn kết, gần gũi.
Đặc biệt, cùng với việc thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí để nâng cao đời sống tinh thần, trung tâm cũng triển khai các lớp dạy kỹ năng nhằm phát triển năng lực và khuyến khích tinh thần tự lập của người khuyết tật.
Ghi nhận hiệu quả chăm sóc người khuyết tật tại trung tâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân đánh giá cao việc trung tâm luôn có giải pháp khích lệ người khuyết tật ngày càng tích cực tham gia học tập, sinh hoạt, rèn luyện, tự lập thông qua việc chia nhỏ các đầu mục khen thưởng, áp dụng đa dạng các hình thức tuyên dương, đồng thời, thường xuyên ghi nhận từng bước tiến bộ nhỏ nhất, tạo động lực cho người khuyết tật vui vẻ tham gia mọi hoạt động.
Năm 2024, trung tâm được hỗ trợ 12 tỷ đồng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, tạo điều kiện để người khuyết tật được sinh hoạt, ăn, ở trong khuôn viên cảnh quan tốt hơn. Mong mỏi của lãnh đạo đơn vị là ngày càng có sự tham gia của cộng đồng trong công tác chăm sóc người khuyết tật, cùng chung tay hỗ trợ, giúp người khuyết tật có thể học tập, làm việc và hòa nhập cộng đồng.