Phản ánh đến kỳ họp thứ 20 của HĐND thành phố Hà Nội: Những kiến nghị chính đáng từ thực tiễn
Trước kỳ họp thứ 20 của HĐND thành phố Hà Nội, cử tri các địa phương đã phản ánh những tồn tại từ thực tiễn cuộc sống. Trong đó, lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở; ô nhiễm không khí, quản lý vỉa hè, vốn đầu tư công… được cử tri quan tâm và bày tỏ mong muốn thành phố sớm có cơ chế, chính sách, giải pháp để giải quyết hiệu quả.
Tiếp tục tháo gỡ những “điểm nghẽn”
Cử tri quận Hoàn Kiếm cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở hiện nay còn tồn đọng. Nguyên nhân là do các diện tích nhà đất mà người dân xây dựng trên đất trống của biển số nhà Nhà nước quản lý (các diện tích chính do Nhà nước quản lý đã bán từ rất lâu theo Nghị định 61-CP ngày 5-7-1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở); nhà ở tự quản thuộc bộ, ngành, công ty, xí nghiệp… trước đây phân cho cán bộ công nhân viên làm nhà ở. Vì vậy, cử tri kiến nghị thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng tháo gỡ vướng mắc này.
Cử tri các huyện: Phú Xuyên, Sóc Sơn, Đan Phượng cho biết, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND ngày 27-9-2024 về việc tách thửa đối với đất ở, yêu cầu ngoài bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện theo quy định tại Điều 220 Luật Đất đai 2024 còn phải bảo đảm các điều kiện về ngõ đi, chiều dài, chiều rộng và diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ... Quy định này gây khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện vì giá đất hiện nay tăng cao, nhiều gia đình không có điều kiện mua đất để ổn định cuộc sống. Cử tri kiến nghị, thành phố xem xét lại việc quy định hạn mức đất ở đối với các thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do các hộ dân có nhu cầu chia cho các con thì phải hạ hạn mức; đồng thời xem xét điều chỉnh lại các điều kiện về kích thước, diện tích tối thiểu… cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
Cử tri các huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Mỹ Đức kiến nghị, thành phố sớm ban hành bảng giá đất điều chỉnh để UBND các huyện có cơ sở xác định giá khởi điểm phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất. Về mức hỗ trợ di chuyển mồ mả khi phải giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, cử tri cho rằng mức hỗ trợ hiện nay thấp, không đủ chi phí di chuyển mồ mả và xây mới, dẫn đến các hộ dân không đồng thuận, gây khó khăn, cản trở công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, cử tri đề nghị cần tăng giá hỗ trợ, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất vì mức bồi thường nhiều năm nay chưa thay đổi, sự chênh lệch giữa giá bồi thường với thị trường rất lớn.
Trong khi đó, cử tri thị xã Sơn Tây thông tin, hiện nay, các trường hợp đất đã giao và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho cá nhân nhưng có liên quan đến nguồn gốc đất quốc phòng (vẫn chưa tách khỏi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của những đơn vị quốc phòng) không được thực hiện các giao dịch tặng cho, thừa kế, chuyển nhượng… gây khó khăn cho người dân. Cử tri kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về nội dung này.
Theo cử tri huyện Mê Linh, thời gian qua, thành phố đã thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với các ngành, lĩnh vực và giải quyết thủ tục hành chính nên đã tháo gỡ được nhiều “điểm nghẽn” trong công tác đầu tư công. Tuy vậy, cử tri vẫn thấy bất cập và kiến nghị, thành phố tiếp tục xem xét phân cấp, ủy quyền thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án do thành phố quản lý nhưng sử dụng nguồn vốn đầu tư công cấp huyện, theo hướng giao HĐND cấp huyện phê duyệt chủ trương đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Ô nhiễm không khí ở mức cao
Cử tri các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm cho rằng, chỉ số ô nhiễm không khí tại Thủ đô Hà Nội đang ở mức rất cao, nguyên nhân có thể do bị ảnh hưởng từ những công trình xây dựng, cải tạo công trình cầu, cống, duy tu hè đường, đốt rơm, rác...
Cử tri kiến nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan đánh giá, phân tích, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp xử lý, giảm thiểu ô nhiễm không khí, khói bụi, đặc biệt là bụi mịn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thành phố đang thí điểm thực hiện phân loại rác tại nguồn ở 6 quận, theo kế hoạch sẽ mở rộng quy mô phân loại rác tại nguồn trên toàn thành phố từ ngày 1-1-2025. Để làm tốt việc này, cử tri huyện Hoài Đức và quận Tây Hồ kiến nghị thành phố chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, thống nhất quy trình phân loại rác, tổ chức tập huấn hướng dẫn cho người dân, đầu tư hệ thống thu gom, phương tiện vận chuyển, xử lý rác sau phân loại; đồng thời tiếp tục nghiên cứu áp dụng kỹ thuật xử lý rác thải tiên tiến, hiện đại hơn, ngoài phương pháp chôn lấp, để vừa bảo vệ môi trường, vừa tránh lãng phí nguồn tài nguyên rác..
Liên quan đến công tác quản lý vỉa hè tuyến phố, cử tri quận Hai Bà Trưng bày tỏ đồng tình với chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài là phải có phương án tổ chức chấn chỉnh trật tự hè phố riêng với từng tuyến phố, không thể có một khuôn mẫu chung. Vì thế, cử tri kiến nghị, thành phố sớm chỉ đạo, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án quản lý trật tự vỉa hè hợp lý, vừa giữ gìn cảnh quan, trật tự, văn minh đô thị, vừa tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế tư nhân, “kinh tế vỉa hè” ở những khu vực đủ điều kiện.
Về công tác cải tạo chung cư cũ, cử tri các quận: Đống Đa, Nam Từ Liêm cho rằng, trong những năm qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp về cải tạo các chung cư cũ, không bảo đảm an toàn, song chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Cử tri kiến nghị, thành phố sớm có giải pháp, lộ trình cụ thể để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ; đồng thời công bố kết quả thẩm định mức độ nguy hiểm của các chung cư cũ để nhân dân biết và sẵn sàng ủng hộ, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ cải tạo các chung cư nguy hiểm.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên cho biết, những phản ánh, kiến nghị và mong muốn của cử tri là chính đáng. Ngoài việc tổng hợp, gửi đến các cơ quan có thẩm quyền trả lời, xem xét, giải quyết, tại kỳ họp cuối năm 2024, HĐND thành phố sẽ xem xét đưa các vấn đề liên quan vào nội dung chương trình của kỳ họp.