Du lịch Hà Nội với cảm hứng "thời bao cấp"
Thời kỳ bao cấp với bao khó khăn đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người dân Thủ đô, khiến người ta luôn khắc khoải nhớ về. Và câu chuyện về Hà Nội thời bao cấp đã trở thành nguồn cảm hứng, là mạch nguồn sáng tạo của các thế hệ sau này.
Một trong số đó là sản phẩm du lịch “Tuyến tàu điện số 6” mới được UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) đưa vào thử nghiệm, hứa hẹn sẽ trở thành một trong những điểm nhấn của du lịch Thủ đô.
Những bảo tàng đường phố độc đáo
Trong khuôn khổ chương trình “Đêm Trúc Bạch” diễn ra cuối tuần qua, nhiều du khách và người dân Hà Nội đã bày tỏ sự thích thú khi được tham quan, check-in những toa tàu điện cũ tại Khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình). Bạn trẻ thì tò mò, còn thế hệ 7x, 8x và những người lớn tuổi lại không giấu được sự bồi hồi xúc động, bởi với họ, thanh âm “leng keng” của những chuyến tàu điện gắn bó một thời dường như vẫn vang vọng trong tâm trí. Các bà, các chị hào hứng mặc những bộ áo dài đẹp nhất để ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Các ông lại túm tụm ôn lại kỷ niệm “nhảy tàu”, trốn vé để được đi khắp Hà Nội...
Bốn toa tàu điện hai tầng được đặt xung quanh hồ Trúc Bạch là một phần của dự án “Tuyến tàu điện số 6”. Mỗi toa trưng bày những câu chuyện, hình ảnh, hiện vật được thiết kế theo một chủ đề riêng như toa Bếp - chạn - mâm giới thiệu ẩm thực thời kỳ bao cấp; toa Lúa - thóc - gạo giới thiệu các món ẩm thực chế biến từ gạo; toa Phở - bún - sợi giới thiệu các món ăn nổi tiếng của Hà Nội; toa Cà phê - café - coffee giới thiệu quá trình hình thành và phát triển văn hóa cà phê của Việt Nam. Mỗi toa được thiết kế bài bản, khoa học và là một phần của “Bảo tàng ẩm thực thời bao cấp”, “chở” trong mình những ký ức, câu chuyện về văn hóa, nếp sống thanh lịch của người Tràng An xưa.
Xúc động chia sẻ sau khi trải nghiệm, tham quan dự án "Tuyến tàu điện số 6", bà Nguyễn Thị Hồng (quận Tây Hồ) cho biết: “Mỗi toa là một bảo tàng thu nhỏ, giúp tôi tìm lại những kỷ niệm thời thơ ấu, khi tôi được bà và mẹ dạy cho cách chế biến, nấu các món ăn của người Hà Nội bằng những vật dụng quen thuộc được trưng bày ở đây”. Còn anh Thomas Kane, một du khách người Australia cho biết: “Những hiện vật, hình ảnh được chú thích cụ thể giúp tôi hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử của người Hà Nội. Điều đó đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Đây cũng là trải nghiệm đáng nhớ nhất của tôi khi đến với Hà Nội”.
Xây dựng sản phẩm khác biệt cho du lịch Thủ đô
Dự án “Tuyến tàu điện số 6” nằm trong sáng kiến kinh nghiệm “Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch tại Đảo Ngọc - Ngũ Xã”, trong đó bao gồm nhiều sản phẩm du lịch như “Bảo tàng đường phố Hà Nội”, “Bảo tàng ẩm thực thời bao cấp” và “Công viên chủ đề văn hóa ẩm thực”. Người chắp bút và triển khai các sản phẩm này là Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy. Ông cho biết: “Những sản phẩm du lịch trên được xây dựng dựa trên thế mạnh nổi bật của Đảo Ngọc - Ngũ Xã và hồ Trúc Bạch, nơi có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng nhất Hà Nội và mang trong mình những lớp trầm tích văn hóa - lịch sử được bồi đắp qua nhiều thế kỷ. Những sản phẩm này được xây dựng nhằm phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, từ đó hình thành nên những sản phẩm đặc thù của phường Trúc Bạch nói riêng và quận Ba Đình nói chung”.
Các sản phẩm du lịch trên sẽ tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện trong năm 2025 nhằm mang tới một không gian văn hóa, du lịch, ẩm thực khác biệt; tăng tính cạnh tranh, thu hút khách du lịch đến với Thủ đô; bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa, mang lại nguồn sinh kế ổn định cho người dân trên địa bàn, đồng thời phát triển thành một sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đêm cho Hà Nội.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, những sản phẩm du lịch như “Tuyến tàu điện số 6” và sự kiện “Đêm Trúc Bạch” vừa qua nằm trong chuỗi sản phẩm khai thác giá trị văn hóa - lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, ký ức về thời bao cấp là nét văn hóa đậm đặc của Hà Nội có thể trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. “Việc khai thác chất liệu từ ký ức là cách làm mới sản phẩm và trải nghiệm cho du khách. Đây là nguồn tài nguyên phong phú, còn nhiều dư địa để khai thác và phát triển thành những sản phẩm riêng có nhằm thu hút khách du lịch tới với Thủ đô” - bà Giang nói.
Về định hướng phát triển kinh tế đêm, Sở Du lịch Hà Nội hiện đang bổ sung, nghiên cứu mở rộng thêm các tuyến phố đi bộ tại những khu vực có tiềm năng như quận Nam Từ Liêm, khu vực Mỹ Đình và một số khu đô thị mới - nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống. Bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh: “Tuy nhiên, việc mở rộng các phố đi bộ và sản phẩm du lịch đêm cần phải được quy hoạch bài bản, có lộ trình và nghiên cứu cụ thể, để vừa phát triển vừa không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, từ đó tạo thêm không gian, gia tăng trải nghiệm và tăng mức chi tiêu của du khách khi đến Hà Nội. Thời gian tới, Sở sẽ rà soát những khu phố đi bộ cũ để có định hướng phát triển phù hợp, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo điều kiện thoải mái nhất cho du khách khi trải nghiệm các sản phẩm du lịch đêm tại Hà Nội”.