Thơ Nôm Hồ Xuân Hương - Những phát hiện mới

Sách - Ngày đăng : 07:48, 04/09/2022

(HNM) - Nhân kỷ niệm 250 năm sinh và 200 năm mất của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, cuốn “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương” của Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch được Viện Nhân học văn hóa (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) và Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã được tái bản. Với nhiều sửa chữa, bổ sung và phát hiện mới, cuốn sách là một công trình khoa học hoàn chỉnh về nữ sĩ bậc nhất của thơ Nôm Việt Nam.

Cuốn “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương” của Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch mới tái bản.

Từ hơn hai thế kỷ nay, thơ Nôm của Hồ Xuân Hương đã trở nên rất đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam. Lời thơ dân dã và trào lộng của bà đã làm nguôi đi nỗi vất vả của những người dân quê. Rồi từ cơ sở những bài thơ được truyền bá rộng trong dân gian, có bài được ra đời và gán cho bà là tác giả. Thơ của bà đã nhiều lần được khắc ván in ở Huế (bản kinh), in ở phố Hàng Gai, Hà Nội (bản phường), nhưng để nhận diện chính xác một số bài thơ có phải của bà hay không trong lượng sách đã in gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch, được sự hướng dẫn của các giáo sư bậc thầy, đã tự nguyện dấn thân vào “ma trận” này.

Hơn nửa thế kỷ miệt mài tìm kiếm, đối chiếu, nghiên cứu, bằng cách “nhận diện thơ Nôm Hồ Xuân Hương trực tiếp từ các văn bản chữ Nôm”, ông đã loại trừ được một số bài thơ vốn không rõ xuất xứ mà các bản in quốc ngữ đã ghi nhận một cách tùy tiện. Đồng thời, ông không tiếp nhận một cách xô bồ những bài có dấu hiệu tồn nghi về văn bản học như các bài: “Đánh đu” (vốn được chép trong “Hồng Đức quốc âm thi tập”), “Bà Đanh” (vốn được ghi ở văn bản “Sự tích ông Trạng Quỳnh”), “Đồng tiền hoẻn” (vốn là thơ của Yên Đổ)…

Cùng với việc khảo cứu văn bản kỹ lưỡng, Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch còn đề xuất được những tiêu chí lựa chọn thơ Nôm Hồ Xuân Hương một cách có cơ sở khoa học thẩm mỹ thỏa đáng, nhờ đó đã loại trừ được những bài tục nhảm, có phần chắc chắn là thơ giả mạo, trong hệ thống thơ Nôm của bà, như bài “Ông cử võ”…

Năm 2007, Nhà Xuất bản Văn học xuất bản cuốn “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương” của Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch. Sách in 82 bài thơ. Ở cuối mỗi bài thơ, tác giả đều có “Khảo dị” và “Chú thích” kỹ lưỡng với đầy đủ các cứ liệu khoa học đáng tin cậy. Việc này góp phần vào quá trình nghiên cứu lịch sử văn bản, cung cấp cho độc giả những tư liệu cần thiết để soi sáng nội dung tác phẩm. 

Là chuyên gia hàng đầu về chữ Nôm, Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch vẫn tiếp tục nghiên cứu về cuộc đời và thơ Hồ Xuân Hương. Năm 2022, nhân Kỷ niệm 250 năm sinh và 200 năm mất của Bà Chúa thơ Nôm, cuốn sách “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương” được tái bản, dày 311 trang, có tranh bìa của họa sĩ Lê Lam, với nhiều bổ sung.

Dẫu đã ở tuổi gần 90 nhưng qua cuốn sách lần này, người đọc vẫn thấy ở Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch một sự lao động miệt mài, suy nghĩ mạch lạc, đầy ắp những kiến thức. Lâu nay, các nhà nghiên cứu đều xếp Hồ Xuân Hương là tác gia đời Lê, trong lần xuất bản này, Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch đã tìm ra cứ liệu xếp Hồ Xuân Hương là tác gia đầu đời Nguyễn: “Cô Hồ Xuân Hương có tiếng hay Nôm, đời Minh Mệnh (1820-1840) có tập thơ Hồ Xuân Hương…”. Đặc biệt, theo phương pháp văn bản học, ông tiếp tục loại trừ những bài không phải thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Ông chú thích nhiều địa danh ở Hà Nội, như hồ Trúc Bạch, Nhĩ Hà, Khán Đài… Ở mỗi chú thích, người đọc tìm được nhiều tư liệu quý bổ sung cho việc tìm hiểu lịch sử Thủ đô.

Ở cuối sách, ông bổ sung 20 bài thơ của Hồ Xuân Hương trong tập “Lưu hương ký”. Đây là tập thơ ông từng tham gia dịch thuật từ năm 1960. Qua những bài thơ mà Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch cho là tuyệt hay này, người đọc thấy hé lộ quan hệ giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du…, thấy rõ mảng thơ trữ tình, phản ánh thân phận người phụ nữ của bà.

“Cuốn sách “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương” của Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch là kết quả hơn 50 năm ấp ủ, nghiền ngẫm. Cuốn sách là một công trình khoa học hoàn chỉnh đầy đủ, chuẩn đúng nhất về văn bản, dịch nghĩa, dịch thơ, khảo cứu, chú giải, chú thích chữ Nôm đáp ứng lòng ái mộ của tất cả bạn đọc yêu quý những bài thơ bất hủ của nữ sĩ bậc nhất của thơ Nôm Việt Nam” (lược trích “Lời giới thiệu”).

Trần Văn Mỹ