Sách

"Bức tranh" đời sống tôn giáo phong phú, đa dạng ở Việt Nam

An Nhi 08/12/2024 - 11:44

Cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản, cung cấp cho bạn đọc những kiến thức, hiểu biết cơ bản về 16 tôn giáo được công nhận ở Việt Nam, qua đó, cho thấy bức tranh đời sống tôn giáo, phong phú, đa dạng và đặc sắc tại nước ta hiện nay.

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Đến nay, có 16 tôn giáo được chính thức công nhận, trong đó, có 9 tôn giáo du nhập từ bên ngoài và 7 tôn giáo bản địa. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện chính sách đoàn kết tôn giáo.

c2.jpg
Cuốn sách cung cấp những kiến thức phong phú về đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Ảnh: NXB Chính trị quốc gia Sự thật

Trong những năm qua, cùng với số lượng tín đồ đông đảo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam có những chuyển biến căn bản, từ sinh hoạt tôn giáo của tín đồ đến hoạt động của chức sắc tôn giáo và các tổ chức tôn giáo. Các tôn giáo hoạt động theo đúng giáo lý, giáo luật, tuân thủ quy định của pháp luật, gắn bó với dân tộc, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.

Theo nhóm tác giả, đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về các tôn giáo ở Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các công trình tập trung nghiên cứu về các tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo… Các tôn giáo có quy mô nhỏ hơn như Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm, Minh Lý đạo, Minh Sư đạo... chưa được đề cập nhiều. Bởi thế, việc nắm bắt đầy đủ kiến thức cơ bản về các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay với những đặc trưng riêng về nguồn gốc ra đời, về quan niệm thờ tự, đối tượng thờ tự, về sinh hoạt tôn giáo... có ý nghĩa không chỉ đối với các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, mà còn của toàn xã hội. Điều này nhằm thực hiện tốt hơn chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta, từ đó góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, các hành vi lợi dụng tôn giáo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước; góp phần ổn định hoạt động tôn giáo; bảo đảm các tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Cuốn sách trình bày dễ hiểu, ngắn gọn, rõ ràng những câu hỏi như: Vì sao tôn giáo lại ra đời? Ai là người sáng lập ra tôn giáo đó? Giáo lý, giáo luật của tôn giáo được thể hiện như thế nào?... hay một số quan niệm, nghi lễ tôn giáo hiểu thế nào, thực hành thế nào cho đúng. Cuốn sách cũng phân tích cách thức giao tiếp với các chức sắc, tín đồ tôn giáo, giúp độc giả có thêm hiểu biết về đặc trưng của từng tôn giáo để ứng xử cho phù hợp.

Cuốn sách phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc, như người nghiên cứu, giảng dạy, các nhà lãnh đạo, quản lý, học sinh, sinh viên, người dân có tôn giáo và không tôn giáo...

Đây cũng có thể được xem như cuốn cẩm nang du lịch để người lữ hành, hướng dẫn viên có thể hiểu về đất nước, con người, văn hóa, tôn giáo của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam.