Điểm nóng

Syria trở lại thời khắc rối ren của nội chiến

Quỳnh Dương 08/12/2024 - 07:01

Vào thời điểm tình hình Trung Đông đang có những diễn biến phức tạp, nội chiến ở Syria bùng phát trở lại sẽ khiến bất ổn ngày càng khó kiểm soát tại khu vực này.

10 ngày sau khi bất ngờ mở cuộc tấn công vào thành phố Aleppo, nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đã giành thêm quyền kiểm soát các thành phố Hama, Daraa và đang hướng tới Homs, khiến chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad đứng trước thách thức nghiêm trọng, đồng thời đưa Syria trở lại thời khắc rối ren nhất của cuộc nội chiến. Vào thời điểm tình hình Trung Đông đang có những diễn biến phức tạp, nội chiến ở Syria bùng phát trở lại sẽ khiến bất ổn ngày càng khó kiểm soát tại khu vực này.

phien-quan.jpg
Nhóm phiến quân HTS tuyên bố giành quyền kiểm soát thành phố Daraa (Syria) ngày 7-12.

Trong một tuyên bố chung đưa ra ngày 7-12 của Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Fuad Hussein và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cùng người đồng cấp Syria Bassam al-Sabbagh sau cuộc họp tại Baghdad (Iraq), các nhà lãnh đạo này cho biết, cuộc tiến công của quân nổi dậy ở Syria gây ra "mối nguy hiểm nghiêm trọng" đối với Iran, Iraq và Syria. Mô tả HTS là "những kẻ khủng bố", các bộ trưởng ngoại giao nhấn mạnh, “phải có hành động tập thể để đối đầu với chúng", đồng thời khẳng định, “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phối hợp, hợp tác và tiếp tục tham vấn ngoại giao để loại bỏ mọi rủi ro leo thang trong khu vực".

Trong diễn biến được cập nhật tới cuối giờ chiều 7-12, phiến quân HTS tuyên bố đã giành quyền kiểm soát thành phố Daraa ở phía Nam Syria, giáp biên giới với Jordan. Đây là nơi khởi nguồn của cuộc nổi dậy năm 2011 chống lại Tổng thống Bashar al-Assad và là thành phố thứ tư mà quân đội Syria mất trong một tuần. Các nguồn tin địa phương cho biết, quân đội của ông Bashar al-Assad đã rút lui đến thủ đô Damascus, cách đó khoảng 100km về phía Bắc.

Cùng ngày phiến quân cũng thông báo đang tiến đến ngoại ô thành phố Homs, một khu vực chiến lược nằm giữa Damacus và bờ biển Địa Trung Hải. Nếu chiếm được Homs, HTS sẽ cắt đứt Damascus khỏi thành trì ven biển vốn do giáo phái Alawite của Tổng thống Bashar al-Assad kiểm soát, cũng như các căn cứ hải quân và không quân của Nga. Trước cuộc tấn công dữ dội của phiến quân, hàng nghìn người đã chạy khỏi Homs, đến các vùng ven biển Latakia và Tartus, các thành trì của Chính phủ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 7-12, thủ lĩnh nhóm phiến quân Abu Mohammed al-Jolani cho biết, HTS đã chuẩn bị chiến dịch tấn công này suốt một năm bằng cách tăng cường huấn luyện, cải thiện kỷ luật và trang bị vũ khí tốt cho các tay súng. Nhóm này đặt mục tiêu chiếm các sân bay quân sự quan trọng nhất để ngăn quân đội Syria thực hiện các cuộc không kích. Đến thời điểm hiện tại, HTS đã giành được sân bay quốc tế ở Aleppo và ít nhất 5 căn cứ quân sự khác. Tuy nhiên, quân đội Syria vẫn đang nắm giữ hầu hết các sân bay quan trọng trên khắp đất nước, bên cạnh căn cứ không quân Hmeymim quy mô lớn do Nga nắm giữ ở tỉnh Latakia bên bờ Địa Trung Hải. Bất chấp kêu gọi của cộng đồng quốc tế, Abu Mohammed al-Jolani thông báo chưa sẵn sàng tham gia đàm phán.

HTS tự tuyên bố là lực lượng vũ trang đối lập, nhưng nhóm này bị Liên hợp quốc coi là một tổ chức khủng bố. Năm 2003, Abu Mohammed al-Jolani đến Iraq và gia nhập al-Qaeda, từng chiến đấu chống lại lực lượng Mỹ. Năm 2013, Mỹ đưa người này vào danh sách khủng bố và treo thưởng 10 triệu USD cho bất cứ ai bắt được ông ta. Abu Mohammed al-Jolani đã bị giam giữ nhiều năm trong một nhà tù của Mỹ ở Iraq. Sau khi được thả tự do năm 2011, ông ta vượt biên vào Syria, thành lập Mặt trận al-Nusra, một chi nhánh trực thuộc al-Qaeda. Năm 2016, Abu Mohammed al-Jolani lập ra HTS với nòng cốt là các thành viên Mặt trận al-Nusra. Tuy nhiên, các hành động cực đoan mà HTS từng thực hiện trong quá khứ cùng phong cách hiếu chiến là lý do khiến nhóm này không nhận được sự ủng hộ từ các bên.

Nhiều nhà quan sát bày tỏ quan ngại trước việc HTS mở rộng kiểm soát lãnh thổ ở Syria không chỉ đẩy người dân đối mặt nguy cơ thương vong mà còn khiến “bóng ma” của các nhóm khủng bố bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) quay trở lại. Lo ngại này không phải không có cơ sở, nhân cuộc tấn công của HTS, IS đã tranh thủ giành quyền kiểm soát một số khu vực ở miền Đông Syria.

Vào thời điểm Nga đang tập trung nhân lực và tài nguyên cho cuộc xung đột tại Ukraine, các đồng minh quan trọng như Hezbollah và Iran đều bị mắc kẹt trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza, cuộc tấn công của HTS đã khiến quyền lực của Tổng thống Bashar al-Assad bị đe dọa và đưa Syria trở lại thời khắc rối ren nhất của cuộc nội chiến kéo dài 13 năm qua.