Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sẽ ra sao?
Đây là một chính sách, vấn đề nhạy cảm, phức tạp, tác động lớn đến xã hội và đòi hỏi phải làm nhanh. Vì vậy, Bộ Nội vụ đang gấp rút xây dựng dự thảo nghị định này.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 7-12, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau khi sắp xếp bị dôi dư ra sao.
Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, để có cơ sở tiến hành thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như của Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ cho phép Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng một cơ chế chính sách đủ mạnh và vượt trội để làm cơ sở tiến hành sắp xếp tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức sau sắp xếp, khi tiến hành sắp xếp.
Hiện nay, Bộ đang khẩn trương tiến hành đánh giá tác động nghiên cứu rất sâu, nhiều chiều, rất kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi của chính sách này sau khi được ban hành. Đó là bảo đảm có cơ chế giải quyết cho cán bộ công chức trong bộ máy có nguyện vọng, có nhu cầu chuyển sang khu vực khác không nằm trong cơ quan nhà nước nữa, phải có cơ chế, chính sách phù hợp.
Đồng thời, phải có cơ chế giữ chân người tài, để bảo đảm nguyên tắc xây dựng nền công vụ theo hướng nguyên tắc thực tài. Thực tài nghĩa là giữ chân người tài trong nền công vụ, thu hút người có tài năng ở các khu vực trong nước và quốc tế vào nền công vụ.
“Vì thế chính sách ở đây phải căn cơ, bao trùm, phải bảo đảm được đánh giá đúng tác động của nó để có cơ sở chính trị về pháp lý thực hiện sắp xếp, đây là vấn đề rất lớn”, ông Vũ Đăng Minh nhấn mạnh.
Ông Vũ Đăng Minh thông tin thêm, Bộ Nội vụ đang tập trung “làm ngày làm đêm” cùng với các bộ, ngành thực hiện các phương án sắp xếp với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”.
Với tinh thần như vậy, Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 6-12 đã thống nhất xong phương án, đang trình xin ý kiến Ban Chỉ đạo Chính phủ để tiến hành các phương án sắp xếp sau khi được phê duyệt. Hiện nay, Bộ đang triển khai từ công tác thống kê tài sản, thống kê về đội ngũ, xây dựng các phương án, sau khi được các cấp thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp.
“Để bảo đảm liên quan đến sắp xếp con người, phải có chính sách vượt trội, phải đủ mạnh để có cơ chế, chính sách để thực hiện sắp xếp. Với tinh thần vừa bảo đảm mục tiêu tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ, bảo đảm tính ổn định để phát triển. Đồng thời, phải quan tâm tâm tư nguyện vọng chính đáng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức”, ông Vũ Đăng Minh nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Đăng Minh, trong quá trình soạn thảo xin phép chưa công bố, song tinh thần sẽ có chính sách mới; đồng thời tính toán đến việc ưu tiên bố trí sử dụng những người có trình độ phẩm chất, năng lực vượt trội, những người có kinh nghiệm, thâm niên công tác, uy tín về nghề nghiệp, kiến thức, kinh nghiệm sâu về chuyên môn về ngành, đặc biệt là lĩnh vực đặc thù để giữ chân những người tài.
Thứ hai là bảo đảm nguyên tắc sự đồng thuận hai bên, khi cán bộ công chức, viên chức, người lao động muốn nghỉ theo chính sách thì phải có nguyện vọng và phải được sự đồng thuận, thống nhất của người đứng đầu cơ quan đơn vị.
Vì thế, ông Vũ Đăng Minh cho rằng chính sách phải căn cơ, bài bản, bảo đảm đạt mục tiêu tinh gọn bộ máy nhưng phải mục tiêu tái cấu trúc, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức. Đặc biệt bảo đảm nguyên tắc có đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có trình độ, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu bộ máy mới sau sắp xếp.
Theo ông Vũ Đăng Minh, đây chỉ là một nhiệm vụ, còn Bộ Nội vụ đồng hành với các bộ trong thực hiện sắp xếp để tiến hành phương án trình từ nay đến cuối tháng 12 này và chuẩn bị các nội dung khác trong quý I-2025.
Đồng thời, sau khi được phê duyệt đề án nhiều công việc khác phải được giải quyết đồng thời nhằm bảo đảm công việc không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, không ảnh hưởng đến nền công vụ, theo nguyên tắc nền hành chính liên tục, thông suốt, đồng bộ, hiệu lực hiệu quả.