Vì sao cần quy về một thang điểm chung trong tuyển sinh đại học?
Dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định điểm xét, điểm trúng tuyển đại học từ năm 2025 các phương thức, tổ hợp xét tuyển phải được quy đổi về một thang điểm chung đang thu hút sự quan tâm của thí sinh và các chuyên gia.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố có một số điểm mới, đáng chú ý là quy định điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp phải được quy đổi về một thang điểm chung. Nếu được phê duyệt, thông tư sẽ áp dụng từ kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2025. Đây cũng là năm đầu tiên có lứa học sinh lớp 12 tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Nhiều chuyên gia, nhà giáo nhận định, việc quy đổi điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp về một thang điểm chung là khá gượng ép, bởi khó có căn cứ khoa học, không phù hợp thực tế.
Ngày 7-12, thông tin rõ thêm về nội dung này, đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, nguyên tắc của công tác tuyển sinh đại học là bảo đảm sự công bằng cho các thí sinh và giữa các trường.
Các thí sinh khi tham gia xét tuyển ở các phương thức xét tuyển khác nhau, muốn bảo đảm sự công bằng thì phải căn cứ vào các tiêu chí nhất định, kết quả xét tuyển của các phương thức đó phải đối sánh được và so sánh được các thí sinh với nhau.
Đặt vấn đề về việc tại sao điểm chuẩn trúng tuyển vào cùng một ngành/chương trình đào tạo lại khác nhau giữa các phương thức xét tuyển, giữa các tổ hợp xét tuyển, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, phải đối sánh được mới bảo đảm công bằng cho thí sinh, từ đó các trường chọn được thí sinh tốt nhất, phù hợp nhất.
Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non dự kiến những quy định nhằm khắc phục bất cập của các kỳ tuyển sinh trước, bảo đảm công bằng hơn cho thí sinh khi tham gia xét tuyển, tránh việc thí sinh đăng ký xét tuyển bằng phương thức này lại có cơ hội trúng tuyển nhiều hơn thí sinh đăng ký xét tuyển bằng phương thức khác. Vì thế, các quy định hướng tới việc để xét tuyển “đầu vào” dù bằng phương thức nào cũng đều cần đánh giá được năng lực, kiến thức, khả năng theo học của thí sinh, do vậy kết quả của các phương thức xét tuyển cũng phải quy đổi được, đối sánh được với nhau.
Hiện nay, dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non vẫn đang tiếp tục nhận ý kiến góp ý, hạn cuối vào ngày 22-1-2025. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đơn vị tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý với tinh thần cầu thị, từ đó hoàn thiện dự thảo nhằm đem lại thuận lợi tốt nhất cho thí sinh.