Bất động sản

Bất thường trong đấu giá quyền sử dụng đất - Phải sớm có câu trả lời: Bài cuối: Chế tài nào loại bỏ những “góc khuất”?

Nhóm phóng viên 07/12/2024 - 07:13

Hướng đến một thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, các phiên đấu giá quyền sử dụng đất phải bảo đảm mang lại lợi ích cân bằng cho cả Nhà nước và người dân. Vậy “chìa khóa” nào để mở hướng hóa giải tồn tại, loại bỏ những “góc khuất” hiện nay?

cac-doi-tuong-lien-quan-vu-dau-gia-dat-cao-roi-bo-thau-o-huyen-soc-son-tai-co-quan-canh-sat-dieu-tra-cong-an-thanh-pho-ha-noi-..jpg
Các đối tượng liên quan vụ đấu giá đất cao rồi bỏ thầu ở huyện Sóc Sơn tại cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội).

Nhận diện rõ nguyên nhân

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến cuối tháng 10-2024, tổng số tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng rõ rệt so với con số 9.200 tỷ đồng của cả năm 2023. Thực tiễn cũng cho thấy, các phiên đấu giá đều công khai, minh bạch, bảo đảm quy trình và quy định về đấu giá, tạo điều kiện tăng thu ngân sách và phát triển hạ tầng ở các địa phương.

Tuy nhiên, nhìn nhận hiện tượng giá đất bị đẩy cao quá mức và “bỏ cọc” ở một số phiên, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III-2024 (ngày 3-10), Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, qua rà soát tại huyện Thanh Oai và huyện Hoài Đức, thành phố nhận định có 3 vấn đề tồn tại.

Đó là về bảng giá đất. Việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất trước Luật Đất đai 2024 được căn cứ theo khung giá đất của Chính phủ, dẫn đến có sự chênh lệch giữa giá đất do UBND thành phố quy định và giá đất chuyển nhượng trên thị trường. Sở Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng điều chỉnh bảng giá đất nên chưa thể cập nhật ngay bảng giá đất sát với giá thực tế trên thị trường. Bên cạnh đó, tình trạng trả giá cao rồi “bỏ cọc”, nhằm “làm giá", "thổi giá", gây nhiễu loạn giá thị trường bất động sản vẫn chưa được kiểm soát triệt để.

Qua hoạt động phối hợp kiểm tra giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với UBND thành phố Hà Nội, bước đầu cũng nhận định thêm một số nguyên nhân. Rõ nhất là thị trường bất động sản đang trên đà phục hồi nên có xu hướng tăng giá chung, lượng giao dịch tăng trưởng tốt, nhất là với bất động sản có tính pháp lý rõ ràng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Thứ nữa, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra trong thời điểm giao thoa giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đất đai năm 2024, giữa Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, nên có “độ trễ” nhất định khi quy định trong Luật mới triển khai trong thực tiễn, trong đó có việc xác định giá đất làm giá khởi điểm cho đấu giá quyền sử dụng đất.

Cần hiện thực hóa chỉ đạo

Để khắc phục bất cập, nhất là trong xác định giá đất; siết chặt công tác đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm hiệu quả, minh bạch, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất; phối hợp, hướng dẫn UBND cấp huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xác định giá đất.

Mới đây nhất, ngày 5-12, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Công văn số 4085/UBND-TNMT, chỉ đạo các địa phương đánh giá hiệu quả việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá, đặc biệt tránh tổ chức đấu giá tại khu vực có giá khởi điểm thấp, không đủ bù đắp chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng. Thành phố cũng yêu cầu các địa phương rà soát, chấn chỉnh công tác đấu giá theo các văn bản chỉ đạo trước đó của Chính phủ và thành phố. Các quận, huyện, thị xã chủ động đề xuất giải pháp để tổ chức đấu giá chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm hiệu quả kinh tế cao.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, ngoài những chỉ đạo nêu trên, thành phố tiếp tục yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường giám sát các phiên đấu giá ở mọi khâu; dừng ngay phiên đấu giá nếu phát hiện có dấu hiệu thông đồng hoặc vi phạm. Công an thành phố điều tra, xác minh, xử lý nghiêm vi phạm; công khai những cá nhân, tổ chức lợi dụng đấu giá đất để thao túng thị trường, “thổi giá” nhằm cảnh báo và răn đe.

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, để ngăn chặn, tiến tới triệt tiêu nạn “thổi giá”, cần rà soát lại quy trình đấu giá, đồng thời áp dụng chính sách thuế mới nhằm giảm tình trạng đầu cơ bất động sản.

Còn Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng, để thị trường bất động sản phát triển bền vững, Hà Nội cần kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là hành vi “bỏ cọc”, “thổi giá”; siết chặt quản lý, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để hoàn thiện hành lang pháp lý và ngăn chặn triệt để sai phạm. Cùng với đó, từng bước tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, giúp cân bằng cung - cầu, từ đó hạn chế nạn “thổi giá”.

Là cấp trực tiếp thực hiện công tác đấu giá, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn Nguyễn Xuân Quý đề xuất: Hành vi trả giá cao bất thường rồi “bỏ cọc” hoặc không trả giá ở vòng kế tiếp có thể xem xét xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng “bỏ cọc”, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét nâng mức đặt cọc cao hơn để ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá. Ngoài ra, cần có chế tài xử lý, loại khỏi phiên đấu giá những tổ chức, cá nhân đã từng vi phạm ở các phiên đấu giá trước…

Như vậy, các tồn tại trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất đã được nhận diện. Điều quan trọng là hiện thực hóa chỉ đạo của các cấp bằng giải pháp cụ thể. Trong đó, bên cạnh nghiên cứu bổ sung các quy định pháp lý, bịt mọi kẽ hở trong đấu giá quyền sử dụng đất, cần xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi "thổi giá".