Văn hóa

Bình chọn 10 sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024

Hoàng Lân 06/12/2024 - 16:09

Chiều 6-11, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) giao Báo Văn hóa chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024.

hop-bao-10-su-kien-vhttdl.jpg
Ban tổ chức công bố danh sách 15 đề cử để bình chọn 10 sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch năm 2024. Ảnh: Hoàng Lân

Tại buổi họp báo, Tổng Biên tập Báo Văn hoá Nguyễn Anh Vũ cho biết, năm 2024, trong bối cảnh trong nước và thế giới còn nhiều biến động, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, đạt được những kết quả tích cực, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Ban tổ chức đã gửi công văn đến các đơn vị thuộc Bộ; các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch trên toàn quốc; Hội Liên hiệp Văn hoá nghệ thuật Việt Nam; Hội Di sản văn hoá Việt Nam; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Ủy ban Olympic Việt Nam đề nghị đề cử các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tiêu biểu trong năm 2024.

Ban tổ chức đã nhận được 78 đề cử của 36 đơn vị. Trên cơ sở đó, Tổ Giúp việc đã họp, bỏ phiếu chọn 30 sự kiện trình lên Ban tổ chức. Từ kết quả này, Ban tổ chức đã tổng hợp, lựa chọn 15 sự kiện trình lên Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để tổ chức bình chọn 10 sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024 với sự tham gia đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

Việc bình chọn theo 2 hình thức: Bình chọn trực tiếp vào ngày 6-12; bình chọn trực tuyến tại địa chỉ: Báo Văn hoá điện tử: www.baovanhoa.vn; Báo Điện tử Tổ quốc: www.toquoc.vn và Cổng thông tin của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: www.bvhttdl.gov.vn. Thời gian bình chọn trực tuyến từ 15h35 ngày 6-12-2024 đến 17h ngày 9-12-2024.

Danh sách 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2024 sẽ được Ban Tổ chức công bố sau khi tổng hợp kết quả bình chọn từ hai hình thức trên.

Dưới đây là danh sách 15 sự kiện để bình chọn 10 sự kiện:

1. Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Sự ra đời của Chương trình có ý nghĩa quan trọng, tạo bước đột phá nhằm cụ thể hóa, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa, góp phần phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

2. Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực di sản văn hóa. Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này bổ sung 12 quy định mới, trong đó có nhiều quy định điều chỉnh những bất cập nảy sinh, những nội dung cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

3. Chính phủ ban hành 2 quy hoạch lớn về văn hóa, thể thao và du lịch, khơi thông nguồn lực, tạo dựng thêm nền tảng cho sự đột phá, phát triển của ngành. Đó là Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm là những dấu mốc quan trọng, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, thực hiện chủ trương, đường lối và chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.

70-nam-gptd.jpg
Chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: S.T

4. Chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những sự kiện chính trị quan trọng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhiều chương trình hoành tráng, quy mô, mang ý nghĩa và sức lan tỏa lớn đã được tổ chức, góp phần khẳng định ý nghĩa, tầm vóc lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ.

5. Việt Nam có thêm hai di sản được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Đó là “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

5_pnbh.jpg
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh: S.T

6. Công nghiệp văn hóa đột phá với các chương trình có tầm vóc, sức thu hút và hiệu ứng xã hội lớn. Năm 2024 là năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, concert của các chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi, chương trình Jazz quốc tế lần thứ I – Nha Trang 2024… đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.

7. Công trình mới Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, khẳng định tầm vóc, quy mô của một thiết chế văn hóa hiện đại, điểm nhấn trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam.

tkst3.jpeg
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội góp phần vào phát triển công nghiệp văn hoá. Ảnh: S.T

8. Thủ tướng Chính phủ tham dự Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc tháng 7 năm 2024 là sự kiện quan trọng, nhiều nội dung ký kết hợp tác hiệu quả, thể hiện bước tiến dài về hợp tác du lịch, văn hóa với Hàn Quốc, một trong những thị trường trọng điểm của Việt Nam. Việt Nam và Hàn Quốc là đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2022.

9. Lần đầu tiên xúc tiến quảng bá du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ. Sự kiện này đánh dấu bước đột phá, sự đổi mới sáng tạo trong công tác xúc tiến du lịch Việt Nam nhằm khai thác phát triển du lịch thông qua điện ảnh. Tại Chương trình này, nhiều thoả thuận hợp tác phát triển du lịch, điện ảnh giữa các đơn vị, địa phương của Việt Nam với các nhà làm phim Hoa Kỳ được ký kết.

10. Du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, đón khoảng 17 triệu khách du lịch quốc tế, 120 triệu lượt khách du lịch nội địa. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành trọng điểm về du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Nha Trang, Ninh Thuận… đã tổ chức nhiều chương trình du lịch hiệu quả, đón lượng khách quốc tế còn cao hơn thời điểm trước đại dịch.

11. Làng rau Trà Quế, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được công nhận là Làng Du lịch tốt nhất năm 2024 của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism). Sự kiện này góp phần vào việc tôn vinh giá trị, lan toả thương hiệu và quảng bá du lịch Hội An, Quảng Nam đến với du khách quốc tế.

12. Vận hành chính thức Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Việc đưa Khu cảnh quan thác vào vận hành chính thức sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác du lịch, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân địa phương hai bên biên giới và nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển và đi vào chiều sâu.

13. Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành huy chương thế giới, lần thứ hai vô địch châu Á.

14. Lực sĩ Lê Văn Công giành HCĐ Paralympic Paris 2024. Thành tích của Lê Văn Công giúp Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam có kỳ Paralympic thứ ba liên tiếp giành được huy chương sau các năm 2016 và 2021. Đây là tấm huy chương thứ ba liên tiếp của Lê Văn Công tại đấu trường Paralympic. Tấm HCĐ của Lê Văn Công tại đấu trường lớn và khốc liệt nhất thế giới cũng mang ý nghĩa nhân văn về ý chí và nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên, hòa nhập với cộng đồng của những người không may mắn, phải chịu thiệt thòi.

15. Đội tuyển Futsal nữ Việt Nam vô địch Đông Nam Á. Đây là lần đầu tiên futsal Việt Nam giành ngôi vô địch Đông Nam Á và cũng là thành tích tốt nhất của bóng đá Việt Nam trong năm nay.