Ngành Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư 23 dự án
Ngày 6-12, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, hiện tại mạng lưới trường lớp ở các ngành học, bậc học đã phủ khắp các phường (xã), 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức với quy mô phát triển ngày một tăng, đáp ứng cơ bản điều kiện cơ sở vật chất phục vụ học tập và việc tổ chức hoạt động dạy học hai buổi/ngày. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số quận, huyện có nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở có sĩ số cao hơn quy định, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp…
Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo, thành phố dành nhiều nguồn lực để đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính, phát triển tốt nguồn nhân lực ngành giáo dục, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Cụ thể, các chính sách đã được xây dựng để tạo ra nhiều hình thức đầu tư như: Đầu tư công, Đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư theo hình thức Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP)…
Phát biểu khai mạc, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, để góp phần đẩy mạnh triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 4448/QĐ-UBND ngày 8-10-2024 về danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2024-2025. Trong đó, lĩnh vực giáo dục - đào tạo có 23 dự án gồm. Ngoài ra, theo kết quả phối hợp rà soát của Sở với thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện, trên toàn địa bàn thành phố có 69 quỹ đất giáo dục trong các khu dự án phát triển dân cư đã được thành phố chấp thuận giao doanh nghiệp làm chủ đầu tư nhưng đến nay chưa triển khai xây dựng trường học theo tiến độ được duyệt. Trong đó, quận 7 có 4 dự án; quận 8 có 11 dự án; quận 12 có 25 dự án; quận Bình Thạnh có 6 dự án; quận Bình Tân có 9 dự án; huyện Nhà Bè có 9 dự án và huyện Bình Chánh có 5 dự án.
Trong khuôn khổ hội nghị, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty HFIC cho biết, HFIC là đơn vị đã tham gia tích cực Chương trình kích cầu của thành phố trong những năm qua và hiện tại là đơn vị chủ trì thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất. Chính sách này được triển khai theo Nghị quyết 98, Nghị quyết số 09 và có những điểm mới quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các dự án giáo dục. Các điểm mới bao gồm mức vay tối đa lên đến 200 tỷ đồng mỗi dự án, không yêu cầu vốn đối ứng, thời gian vay linh hoạt và có thể vay cho nhiều dự án cùng một lúc.
“Chúng tôi hy vọng rằng chính sách này sẽ giúp các đơn vị giáo dục dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học tại thành phố Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Quang Thanh nói.