Chương Mỹ huy động nguồn lực “nâng chất” tiêu chí
Dù đã “về đích” nông thôn mới, nhưng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của nhiều xã thuộc huyện Chương Mỹ vẫn còn khá yếu, thiếu đồng bộ.
Để “nâng chất” các tiêu chí này, hướng tới mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao, Chương Mỹ cần nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và nhân dân.
Còn nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp
Dù đã "về đích" nông thôn mới năm 2018, nhưng đến xã Văn Võ, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy diện mạo ở đây ít có điểm nhấn ấn tượng, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, gần 5km đê hữu Đáy là trục giao thông xương sống của xã Văn Võ đang xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đê bằng bê tông xuất hiện nhiều sống trâu, ổ voi với chằng chịt vết nứt rộng 5-7cm. Đặc biệt, đoạn đường tiếp giáp với xã Hòa Chính bị nứt nẻ, trũng sâu so với nền cũ từ 20cm đến 30cm, tạo thành thùng vũng chứa nước sau mỗi trận mưa.
Bên cạnh đó, 4 nhà văn hóa ở các thôn: Nguyễn Trãi, Cộng Hòa, Tân Hợp, Hai Lăm đều có quy mô nhỏ, xuống cấp… Bà Đỗ Thị Ngữ (80 tuổi, ở thôn Nguyễn Trãi) cho biết, công trình xây dựng từ năm 2009 với thiết kế 50 chỗ ngồi; không đáp ứng nhu cầu của người dân khi địa phương hiện có 246 hộ dân, hơn 1.100 nhân khẩu. Thôn đã kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa được xây dựng.
“Ở các xã bên cạnh, đường từ khu dân cư ra đồng ruộng, xe chạy bon bon còn ở đây thì không đi nổi vì ổ trâu, ổ bò…”, bà Đỗ Thị Ngữ nói thêm và rất mong các cấp, ngành quan tâm đầu tư, xây dựng công trình cho nhân dân địa phương.
Quan sát thực tế 3 trục đường chính nối từ khu dân cư ra đồng ruộng ở xã Văn Võ, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy phản ánh của người dân là đúng. Cả ba tuyến giao thông nội đồng ở đây xuống cấp nghiêm trọng với nhiều vị trí sụt sạt, bề mặt hằn sâu vệt bánh xe. Trục giao thông nội đồng duy nhất của địa phương được bê tông bề mặt giờ đã bị vỡ nát…
Tương tự, các xã: Hòa Chính, Phú Nam An, Hồng Phong, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ… còn nhiều trục giao thông nông thôn, giao thông nội đồng chưa được cứng hóa; nhiều nhà văn hóa xuống cấp, quy mô nhỏ hẹp chưa được nâng cấp, mở rộng.
“Xã Quảng Bị đang phấn đấu "về đích" nông thôn mới kiểu mẫu. Trên địa bàn hiện có 4 nhà văn hóa thì 2 nhà văn hóa đã đạt chuẩn, còn Nhà văn hóa thôn Liên Hợp và thôn 5 vẫn phải đặt tạm ở lớp học mầm non và nhà hộ sinh…”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Quảng Bị Đỗ Viết Bình thông tin.
Huy động nguồn lực
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức khẳng định, huyện luôn coi xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, nguồn lực hạn chế, nên chất lượng cơ sở hạ tầng ở một vài xã chưa cao.
Nói rõ hơn về nguồn lực, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức thông tin, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, huyện được thành phố phê duyệt khoảng 7.600 tỷ đồng, nhưng nhu cầu của huyện trong giai đoạn này là khoảng 12.000 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện đã xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025 thu từ đấu giá quyền sử dụng đất khoảng 1.869 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, huyện mới thu được 605 tỷ đồng; trong đó, năm 2021 thu được 130 tỷ đồng, năm 2023 thu được 31 tỷ đồng và 9 tháng năm 2024 thu được 220 tỷ đồng…
Để tạo nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng từ nay đến hết năm 2025, huyện Chương Mỹ tập trung đấu giá quyền sử dụng đất tại 80 khu ở các xã, thị trấn với dự kiến thu khoảng 530 tỷ đồng. Đồng thời, huyện sẽ sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ của thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu đối với 11 xã thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ rừng ngang, ngập lụt.
“Huyện đang quyết liệt chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai các bước để bảo đảm giữa năm 2025 sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; đồng thời rà soát, lập danh mục ưu tiên đầu tư, xây dựng công trình bức xúc dân sinh, công trình tại các xã đăng ký "về đích" nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…”, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức cho hay.
Thực tế từ năm 2021 đến nay, huyện Chương Mỹ đã huy động hơn 1.600 tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2025, huyện có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; giai đoạn 2026-2030 sẽ hoàn thành Chương trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.
Theo Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng, xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền... từ huyện đến cơ sở tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình đã đề ra. Trong đó, huyện tiếp tục xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại theo hướng phát triển đô thị; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của từng vùng, từng địa phương; phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; cải thiện nhanh điều kiện sống ở khu vực nông thôn…