Xã hội

Triển khai Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sống: Tăng tính chủ động, sáng tạo cho cấp cơ sở

Hà Phong 06/12/2024 - 06:49

Triển khai Luật Thủ đô năm 2024, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong thực hiện phân cấp, ủy quyền trong quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính.

Đích đến là thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính và chất lượng phục vụ nhân dân.

giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-cho-nguoi-dan-tai-bo-phan-mot-cua-ubnd-huyen-my-duc.-anh-nguyen-quang.jpg
Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Mỹ Đức. Ảnh: Nguyễn Quang

Vẫn còn tầng nấc trung gian

Tại Hà Nội, những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước đối với chính quyền địa phương đã từng bước được đổi mới thông qua những nỗ lực hoàn thiện thể chế, mô hình tổ chức bộ máy, chất lượng cán bộ, công chức và phương thức hoạt động. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của thành phố luôn đứng trong tốp 10 của cả nước. Đặc biệt, năm 2022, 2023, PAR Index của thành phố xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 7 bậc so với năm 2021.

Gần đây, ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) - kênh tương tác giữa chính quyền với người dân, các vấn đề về đời sống dân sinh, công khai minh bạch để người dân tham gia đóng góp cải cách hành chính, chuyển đổi số được người dân nhiệt tình đón nhận. Hà Nội cũng đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho địa phương giải quyết nhiều thủ tục hành chính, giúp giảm thời gian, khâu trung gian, phục vụ kịp thời, tốt hơn cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị có chỉ số chưa như mong muốn. Qua tiếp xúc cử tri, nhiều người dân phản ánh còn tình trạng chồng chéo về chức năng của một số sở, ngành. Tổ chức bộ máy của một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố chưa phù hợp với điều kiện thực tế, chưa bảo đảm việc quản lý ngành, lĩnh vực cũng như thực hiện các nhiệm vụ liên quan của chính quyền địa phương...

Theo luật sư Nguyễn Thị Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội), nguyên nhân của bất cập trên là do các quy định pháp luật về tổ chức bộ máy và trong một số lĩnh vực chuyên ngành còn chưa phù hợp, làm hạn chế đáng kể hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trong khi yêu cầu công tác quản lý tại Thủ đô cần có đặc thù và phải được xử lý nhanh, kịp thời, đòi hỏi nâng cao hơn tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Đáng lưu ý, một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố đã được giao nhiệm vụ, tuy nhiên, khi triển khai các công việc cụ thể vẫn phải trình các sở và cơ quan tương đương có liên quan để thẩm định và phê duyệt, phát sinh thêm tầng nấc trung gian, kéo dài thời gian thực hiện, đặc biệt là lĩnh vực quản lý dự án.

Tăng tính chủ động

Luật Thủ đô năm 2024 xác định, phân cấp, ủy quyền về thủ tục hành chính là mấu chốt, động lực để cán bộ, công chức làm tốt hơn nhiệm vụ được giao và đưa ra các giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết Quy định ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính của chủ tịch UBND cấp xã cho công chức thuộc UBND cấp xã trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, chủ tịch UBND cấp xã được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch giải quyết các thủ tục hành chính: Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch. Công chức Văn hóa - Xã hội được ủy quyền giải quyết các thủ tục hành chính: Thành lập thư viện đối với thư viện cộng đồng; sáp nhập, hợp nhất, chia tách thư viện đối với thư viện cộng đồng; thông báo chấm dứt hoạt động thư viện cộng đồng.

Cùng với đó, công chức Văn hóa - Xã hội được ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính: Đổi, cấp lại giấy xác nhận khuyết tật. Thời hạn ủy quyền tối đa 36 tháng; hết thời hạn ủy quyền, nếu các căn cứ không thay đổi và việc ủy quyền đánh giá có hiệu quả, tiếp tục thực hiện ủy quyền. Mức hỗ trợ hằng tháng đối với công chức được ủy quyền tại Khoản 4, 6, Điều 14 Luật Thủ đô bằng 15% mức lương cơ sở/người/tháng...

Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục mở rộng phân cấp, ủy quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được quyền quyết định những nhiệm vụ không trái các quy định của pháp luật và quy trình công tác theo Khoản 6, Điều 14, Luật Thủ đô là yêu cầu khách quan, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trong đó, có phân cấp, ủy quyền cho các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND thành phố.

Đón nhận tin vui này, chị Nguyễn Thị Thoan (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cho rằng, đây là quy định có ý nghĩa đột phá. Việc hạn chế tình trạng nhiều tầng nấc trung gian sẽ không chỉ phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp mà còn rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tiết kiệm công sức và nâng cao mức độ hài lòng của người dân…

Chị Nguyễn Thị Thoan mong muốn, UBND thành phố sớm ban hành văn bản quy định việc điều chỉnh trình tự, thủ tục mới, phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền bảo đảm yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, không quy định thêm thành phần hồ sơ, không tăng thêm yêu cầu, điều kiện, thời gian giải quyết thủ tục đang áp dụng.