Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam: Công trình biểu tượng của kỷ nguyên vươn mìnhBài 3: Cơ chế đặc thù cho dự án đặc thù
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự kiến khởi công năm 2027, cơ bản hoàn thành vào năm 2035. Để dự án thực hiện đúng theo lộ trình đã đề ra, cần có những cơ chế đặc thù nhằm rút ngắn tiến độ, bảo đảm tính khả thi.
Triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo 3 giai đoạn
Là đơn vị tư vấn trực tiếp nghiên cứu và xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết, sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ ban hành nghị quyết thực hiện, dự án sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 là lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và thiết kế tổng thể kỹ thuật phục vụ cho lập hồ sơ mời thầu tổng thầu EPC (FEED), thực hiện trong thời gian 2025-2027.
Giai đoạn 2 là thi công, mua sắm thiết bị (từ năm 2027 đến 2035), gồm các nhiệm vụ: Đấu thầu, lựa chọn nhà thầu EPC; đàm phán, ký hợp đồng và thi công; mua sắm phương tiện, thiết bị; tiếp nhận và chuyển giao công nghệ.
Giai đoạn 3 là vận hành thử và khai thác thương mại. Để bảo đảm dự án được triển khai đúng lộ trình, dự kiến khởi công năm 2027, cơ bản hoàn thành năm 2035, cơ chế đặc thù rất quan trọng, đã được thông qua, là chủ đầu tư được lập thiết kế FEED thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Cơ chế này sẽ rút ngắn tiến độ khoảng 1 năm so với quy trình thông thường.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, muốn đáp ứng tiến độ, trước hết, bước FS cần được bắt tay thực hiện ngay. Thời gian lập FS với những dự án lớn như đường sắt tốc độ cao thường mất vài năm. Việc thực hiện các thủ tục sẽ rất lâu nếu không được xem xét rút gọn.
"Chỉ định thầu là giải pháp có thể xem xét. Việc nghiên cứu và thẩm định cũng nên tiến hành song song để rút ngắn quá trình chuẩn bị và thông qua. Việc lập hồ sơ mời thầu để lựa chọn tổng thầu xây dựng cũng cần tiến hành song hành trong thời gian lập FS. Các nội dung cần sớm được nghiên cứu xác định rõ, như: Điều kiện, số liệu để đấu thầu (có chuyển giao công nghệ hay không, tỷ lệ bao nhiêu; khối lượng xây lắp…), để ngay sau khi FS được phê duyệt, có thể triển khai được luôn bước lựa chọn nhà thầu EPC", ông Nguyễn Ngọc Đông nêu đề xuất.
Tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu
“Giải phóng mặt bằng là một trong những vấn đề phức tạp, kéo dài nhất. Theo quy định hiện hành, sau khi dự án được phê duyệt đầu tư, mới xây dựng khu tái định cư. Thông thường, các địa phương sẽ mất khoảng 2 năm thực hiện, rồi mới di dời người dân, giải phóng mặt bằng cho dự án.
Quốc hội đã thông qua chính sách đặc thù cho phép thực hiện trước bước tái định cư và di dời hạ tầng kĩ thuật. Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cũng cho phép tách phần giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án. Các yếu tố này giúp rút ngắn thời gian tổng thể và thời gian thực hiện khâu giải phóng mặt bằng”, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) phân tích.
Các chuyên gia cho rằng, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam kéo dài qua 20 tỉnh, thành phố nên các địa phương trước hết phải tham gia vào giải phóng mặt bằng và cần chuẩn bị mặt bằng, chuẩn bị không gian phát triển, không gian kết nối thật tốt.
Cùng đó, phải rà soát lại quy hoạch, chuẩn bị kế hoạch, tính toán cơ chế ưu đãi, chính sách để thu hút nhà đầu tư, phát huy tiềm năng, lợi thế của mình.
"Về nguyên tắc, chính quyền các địa phương phải chủ động trong việc tạo quỹ đất sạch để chuẩn bị cho các dự án hạ tầng quốc gia. Lần này, nguyên tắc đó cần được thực hiện nghiêm túc, không để đến khi dự án triển khai lâu rồi mà mặt bằng vẫn chưa thấy, dẫn đến chậm tiến độ, đội vốn", ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề mỏ vật tư, vật liệu cũng cần được triển khai từ sớm. Khi dự án được phê duyệt, cần tính ngay đến cơ chế đặc thù cấp mỏ mới hoặc tăng công suất các mỏ hiện hữu.
Việc khảo sát, thăm dò cũng cần phải được thực hiện kỹ càng, đáp ứng đúng chất lượng vật liệu khung tiêu chuẩn đưa ra, tránh tình trạng ở một số tuyến cao tốc vừa qua, khi thi công mới đi vào khảo sát xin cấp mỏ, rất mất thời gian, lại không đáp ứng được tiến độ dự án.
Liên quan đến vấn đề mỏ vật liệu phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại diện Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá, nghị quyết lần này của Quốc hội về cơ chế đặc thù khi thực hiện dự án có những điểm mở hơn so với những nghị quyết trước đây về thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.
Cụ thể, nghị quyết cho phép UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh trữ lượng khai thác, kéo dài thời hạn khai thác mỏ, nâng công suất theo nhu cầu của dự án mà không phải lập dự án điều chỉnh, không phải thực hiện thủ tục thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, kể cả đối với các mỏ khoáng sản đã hết thời hạn khai thác, còn trữ lượng nhưng chưa thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ.
UBND cấp tỉnh cũng quyết định điều chỉnh, bổ sung các mỏ khoáng sản này vào phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản trong quy hoạch tỉnh mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh; sử dụng nguồn dự phòng của dự án để tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu vực mỏ.
Các nội dung mở này cùng với các chính sách mới về khai thác khoáng sản Nhóm IV vừa được Quốc hội thông qua tại Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải.
(Còn nữa)