TP Hồ Chí Minh chuẩn bị khoảng 23.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết
Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 11.000 điểm bán trong chương trình bình ổn giá phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Chiều 5-12, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh thông tin liên quan đến công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Dự kiến, năm nay các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng hóa trị giá khoảng 23.000 tỷ đồng phục vụ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, trong đó có gần 10.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.
Về nguồn hàng, Sở Công Thương cho biết có 69 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2024. Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp tổ chức 11.000 điểm bán để phục vụ cho chương trình bình ổn.
Về chất lượng hàng hóa, cũng đã vận động các hệ thống bán lẻ lớn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cam kết thực hiện quản lý đầu vào về chất lượng.
Ngoài ra, ngành Công Thương thành phố đã thực hiện tham mưu về chương trình bình ổn thị trường cộng với các chương trình kích cầu tiêu dùng và kết nối với các tỉnh, thành.
Hiện tại, ngành Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai chương trình Mùa mua sắm tập trung cuối năm “Shopping Season 2024” đợt 2, diễn ra từ giữa tháng 11 đến hết tháng 12. Tiếp đến, từ tháng 12-2024 đến tháng 1-2025 sẽ triển khai chương trình bán hàng lưu động bình ổn thị trường trên địa bàn.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng chủ động tổ chức hàng trăm chuyến bán hàng lưu động đến vùng ven, ngoại thành, nơi tập trung đông người lao động thu nhập thấp. Hàng bình ổn giá hoàn toàn đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.
Có thể nói, thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng chuẩn bị mùa mua sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 với đầy đủ lượng hàng, đảm bảo chất lượng và ổn định nguồn cung cấp, cũng như đảm bảo các kênh phân phối rộng khắp để phục vụ cho các đối tượng.
Về hoạt động kiểm tra, giám sát giá cả, chất lượng hàng hóa, Sở Công Thương thành phố cũng đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức theo dõi diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, kịp thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa trên địa bàn.
Mặt khác, đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định nhà nước về giá hàng hóa tại các hệ thống phân phối, chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích...