Tài chính

Ứng dụng có trách nhiệm AI trong lĩnh vực ngân hàng

Nguyệt Ánh 05/12/2024 - 13:16

AI trong ngân hàng cần được ứng dụng một cách có trách nhiệm, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và bảo đảm sự an toàn, ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính.

Chuyển đổi số trong tài chính ngân hàng

Ngày 5-12, Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp cùng với Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên Học viện Ngân hàng tổ chức chương trình “Hội thảo Thương mại hóa các công nghệ cốt lõi, ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng 2024”.

Tham dự Hội thảo có các diễn giả, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, an toàn thông tin; đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu; các doanh nghiệp và 150 sinh viên…

W_nguyen-tien-hung.jpg
Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng phát biểu. Ảnh: Bảo Lâm

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng cho biết, nhờ công nghệ số, các dịch vụ tài chính trở nên nhanh chóng, an toàn và linh hoạt hơn, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng.

“Qua hội thảo, các sinh viên được bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới nhất, liên quan đến các công nghệ cốt lõi và chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để giảng viên và sinh viên được trao đổi, giao lưu và học hỏi các diễn giả có chuyên môn sâu và cũng là cơ hội để các sinh viên được định hướng và trao đổi về cơ hội thực tập tại các ngân hàng và doanh nghiệp”, Phó Bí thư Thành đoàn Nguyễn Tiến Hưng cho biết.

W_thuong-mai-hoa-cong-nghe-cot-loi-ngan-hang.jpg
Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng tặng hoa các chuyên gia, diễn giả tham dự chương trình. Ảnh: Bảo Lâm

Ứng dụng AI trong tài chính - ngân hàng

Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, an toàn thông tin và sinh viên tập trung thảo luận theo 4 chủ đề: Ứng dụng công nghệ và dữ liệu trong hoạt động của Ngân hàng thương mại; Khai thác dữ liệu ngân hàng bảo vệ tính riêng tư; Khung quản lý đạo đức đối với ứng dụng AI trong tài chính - ngân hàng; Ứng dụng AI trong Ngân hàng: An toàn, rủi ro và giải pháp...

Theo TS. Vũ Duy Hiến, Phó Trưởng bộ môn Hệ thống thông tin quản lý - Khoa Công nghệ thông tin và kinh tế số (Học viện Ngân hàng), xã hội càng văn minh, nhu cầu và đòi hỏi về việc bảo vệ sự riêng tư ngày càng cao và trở thành tất yếu. Việc khai thác dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu tài chính ngân hàng bảo vệ sự riêng tư đã, đang và sẽ trở thành một chủ đề nghiên cứu ứng dụng thú vị. Do đó, mỗi cá nhân cần có ý thức chủ động bảo vệ sự riêng tư của mình: nghiên cứu kỹ điều khoản hợp đồng, hạn chế chia sẻ dữ liệu riêng tư, kiểm tra các quyền riêng tư trên thiết bị camera, micro, GPS... để tránh được những rủi ro.

W_pham-tran-quang-_ngan-hang.jpg
Anh Phạm Trần Quang (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam) chia sẻ “Ứng dụng công nghệ và dữ liệu trong hoạt động của Ngân hàng thương mại”. Ảnh: Bảo Lâm

Chia sẻ về “Ứng dụng AI trong Ngân hàng: An toàn, rủi ro và giải pháp”, ThS. NCS. Trần Anh Tú, Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học An toàn thông tin, Khoa An toàn thông tin (Học viện Kỹ thuật mật mã) cho biết: Ngân hàng ứng dụng AI trong hoạt động là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0, giúp nâng cao hiệu quả làm việc trên toàn hệ thống, tiết giảm chi phí... Tuy nhiên, tội phạm có thể lợi dụng AI và internet để thực hiện các hành vi tội phạm khó lường và khó kiểm soát. Do đó, AI trong ngân hàng cần được ứng dụng một cách có trách nhiệm, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và bảo đảm sự an toàn, ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính.

Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Bích Ngân, Phó Trưởng phụ trách bộ môn Ngân hàng số - Khoa Ngân hàng (Học viện Ngân hàng) gợi mở những hướng đi mới để áp dụng công nghệ một cách nhân văn, an toàn và bền vững. Theo TS. Nguyễn Bích Ngân, các trụ cột xây dựng khung đạo đức về AI trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, gồm: Minh bạch và giải trình; Trách nhiệm và sự tuân thủ; Công bằng và không phân biệt đối xử; An toàn dữ liệu và quyền riêng tư của khách hàng. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần có đủ kiến thức chuyên môn về AI để triển khai, giám sát, thực thi…