Hà Nội mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ
UBND thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 4051/UBND-NC về việc phối hợp với lực lượng Công an thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đa dạng các hình thức phòng, chống tội phạm
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ này, cùng với quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tổ chức thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với các phong trào, cuộc vận động. Xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải tham gia phòng, chống tội phạm hiệu quả.
Thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với số người thất nghiệp, mất việc làm, tiếp tục tổ chức xây dựng nhà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có nhà ở, bị mất nhà do thiên tai, bão lũ...
Phối hợp với lực lượng Công an các cấp tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, thông tin truyền thông, văn hóa, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh trong dân tộc, tôn giáo…
UBND thành phố cũng chỉ đạo rà soát, đánh giá, có biện pháp, giải pháp cụ thể, phù hợp, thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền tới người dân, nhất là thanh thiếu niên, người lao động, học sinh, sinh viên... về công tác phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội thông qua các hình thức đa dạng (các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội, tại các buổi họp khu dân cư, tổ dân phố, qua hệ thống loa phường...). Chủ động thông tin, tuyên truyền về các loại tội phạm, vi phạm pháp luật điển hình, có xu hướng gia tăng vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hoặc tiềm ẩn phát sinh phức tạp trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Tuyên truyền vận động người dân nâng cao cảnh giác, tích cực tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở, các tổ hòa giải, phát huy vai trò của tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, người có uy tín ở cộng đồng dân cư... trong việc phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân không để phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần làm giảm các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội. Bố trí, phân công, hướng dẫn, phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong phối hợp lực lượng Công an nắm tình hình, phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT.
Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị
UBND thành phố cũng chỉ đạo chủ động phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh tội phạm và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tập trung vào một số nội dung như: Tiến hành đồng bộ các biện pháp, giải pháp làm giảm nguyên nhân, điều kiện phát sinh, tồn tại, phát triển của tội phạm và tệ nạn xã hội tại các địa bàn phức tạp về tội phạm xâm phạm trật tự xã hội; nâng cao hiệu quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về ANTT, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tội phạm và vi phạm pháp luật như: Quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phòng cháy chữa cháy, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, tài chính, ngân hàng, thương mại, quản lý thị trường, khai thác tài nguyên khoáng sản, đất đai, môi trường, lao động, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành bảo đảm quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để kịp thời rà soát, phát hiện, xử lý tình trạng đưa người xuất cảnh trái phép, người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trái phép, người nước ngoài hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật trên địa bàn lãnh thổ Việt Nam.
Tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, kho tàng, bến bãi... phát hiện, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến: Hàng cấm, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; các sản phẩm có chứa thành phần liên quan đến ma túy; các sản phẩm vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... Phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật tại các khu đô thị, các tòa nhà, khu chung cư. Có biện pháp tăng cường hoạt động bảo vệ, phòng ngừa trộm đột nhập tại các cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà máy, cơ sở sản xuất. Tăng cường các hoạt động giám sát, bảo đảm an ninh tại các nhà ga, bến xe, cảng hàng không, bến phà,...
Các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã chủ động các phương án, kế hoạch bảo vệ các chương trình, sự kiện quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra trên địa bàn Hà Nội trong dịp Tết; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các địa điểm lễ hội, vui chơi giải trí, những nơi tập trung đông người, đặc biệt tập trung bảo đảm ANTT tại các khu vực trung tâm từ tối 29 tháng Chạp (Đêm Giao thừa) đến hết ngày mồng 3 Tết Nguyên đán.
Thủ trưởng các đơn vị tập trung chỉ đạo thực hiện, đơn vị nào để xảy ra các vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong dư luận nhân dân, để báo chí phản ánh phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.
Thực hiện cao điểm 2 tháng tấn công, trấn áp tội phạm
Công an thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 280/KH-CAHN-PV01 về mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thời gian thực hiện cao điểm 2 tháng, từ ngày 15-12-2024 đến ngày 14-2-2025.
Trong thời gian cao điểm, Công an thành phố chủ động tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan “tín dụng đen”, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án; tội phạm xâm phạm sở hữu (cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp, lừa đảo…); tội phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, an toàn thực phẩm; tội phạm công nghệ cao... Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, phân loại theo quy định; kiềm chế, làm giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội xảy ra trên địa bàn so với 2 tháng cùng kỳ và liền kề trước đó.
Công an thành phố cũng tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Tiếp tục tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong mùa hanh khô và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, không để xảy ra cháy nổ nghiêm trọng vào thời điểm Tết Nguyên đán và các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đầu năm.