Môi trường

Bác sĩ thú y của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội:Tận tâm với nghề

Hoàng Văn 05/12/2024 - 06:37

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) luôn là địa chỉ tin cậy chăm sóc, cứu hộ động vật rừng do cơ quan chức năng thu giữ được từ các vụ án buôn bán, vận chuyển trái phép chuyển đến. Trong số này, nhiều cá thể động vật trong tình trạng bị thương nặng, kiệt sức, song nhờ tình yêu thương, trách nhiệm với nghề, đội ngũ bác sĩ thú y của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã tận tâm cứu chữa, tái sinh hàng nghìn động vật rừng.

hoang-1.jpg
Bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng chăm sóc tê tê.

Công việc không hề đơn giản

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đang nuôi dưỡng, bảo tồn 661 cá thể động vật rừng và 101,8kg rắn các loại. Ngoài việc chăm sóc, khám, chữa bệnh cho số động vật trên, đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên tại trung tâm còn cứu chữa cho hàng trăm cá thể động vật khác do các tổ chức, cá nhân chuyển đến. Bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng cho biết, làm việc tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội mọi người phải luôn trong tư thế sẵn sàng cho các cuộc gọi cứu hộ đột xuất từ cơ quan chức năng, mỗi khi có vụ bắt giữ vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Khi đó, những bác sĩ, kỹ thuật viên của trung tâm đảm nhận vai trò như một thành viên cứu hộ của Đội phản ứng nhanh, bất kể ngày đêm, ngày nghỉ lễ, cấp tốc lên đường để cứu chữa động vật hoang dã.

Anh Nguyễn Văn Trung, cán bộ Phòng Nghiệp vụ cứu hộ (Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội) chia sẻ: “Trung tâm là “bệnh viện”, là “tổ ấm” thứ hai của các cá thể thú rừng không may bị nạn. Khi tới đây, tất cả đều được chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng niu bằng tình thương và sự tận tâm của đội ngũ cán bộ, nhân viên trung tâm. Cụ thể, đối với những con thú rừng bị thương, chúng tôi trực tiếp thăm khám, chữa trị. Trường hợp quá nặng, sẽ mời các chuyên gia, bác sĩ thú y của các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ điều trị. Đến khi con thú có dấu hiệu hồi phục sẽ đưa đến khu chăm sóc, bảo vệ. Mỗi con thú được đưa về trung tâm đều có một hồ sơ theo dõi sức khỏe, ghi chép cẩn thận từ việc ăn uống đến các hoạt động, thói quen, sự thay đổi hằng ngày”.

Để động vật sớm hòa nhập và thích nghi, khu chuồng trại được trung tâm thiết kế phù hợp với tập tính của các loài. Chẳng hạn như ô chuồng dành cho khỉ được thiết kế cao ráo, thoáng mát, có nhiều cành cây để chúng leo trèo; khu chuồng dành cho gấu lắp đặt thêm những đồ vật, cầu lên xuống để chúng vui chơi; mèo rừng có hang đá, cành cây cho chúng trốn, núp phù hợp với tập tính săn mồi. Hơn nữa, chăm sóc các loài động vật hoang dã là công việc không hề đơn giản, chỉ việc cho chúng ăn cũng rất vất vả. Thức ăn của mỗi loài động vật thường khác nhau, có loài ăn tạp, có loài kén mồi, nên việc tìm và đặt mua thực phẩm phải được chọn lựa kỹ. Đặc biệt, những con thú có bản năng hoang dã, đòi hỏi công nhân phải hiểu được sở thích, tính nết từng loài để có biện pháp chăm sóc, cho ăn hợp lý.

“Ngoài chế độ dinh dưỡng, việc vệ sinh, chăm sóc sức khỏe đến việc tắm rửa, theo dõi tình hình bệnh tật… cũng đòi hỏi sự chu đáo, cẩn thận. Nhiều khi bác sĩ, kỹ thuật viên còn đối diện với nguy hiểm như bị thương, bị tấn công trong quá trình chữa trị vết thương, nuôi dưỡng các loài động vật do bản năng hoang dã của chúng. Thế nhưng, chỉ cần nhìn vào sự hồi phục mỗi ngày của các con vật, bao vất vả, mệt nhọc cũng tan biến”, bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng trải lòng.

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Yêu nghề, tận tâm với công việc, nhưng đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội gặp không ít khó khăn vất vả, như: Công việc nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ động vật cao, chế đãi ngộ, thu nhập còn thấp... Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Tạ Duy Long cho biết, biên chế sự nghiệp đơn vị được giao là 31 người, nhưng thường xuyên tuyển không đủ nhân lực, nhất là vị trí bác sĩ thú y. Có những năm, tuyển được một số bác sĩ thú y làm việc tại trung tâm, nhưng khi chứng kiến công việc vất vả, có người xin nghỉ việc hoặc làm việc một thời gian rồi chuyển công tác khác. Để chăm sóc, khám, chữa bệnh kịp thời cho động vật, trung tâm thường xuyên nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia trong nước và tổ chức phi chính phủ đến tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp thăm khám, điều trị bệnh tiên tiến. Điển hình, trong năm 2024, trung tâm đã hợp tác với Tổ chức động vật châu Á khám sức khỏe tổng quát cho 1 cá thể gấu ngựa; phối hợp với Chương trình bảo tồn rùa châu Á khám sức khỏe cho 100 cá thể rùa và gắn chíp theo dõi cho 60 cá thể rùa các loại; cùng Tổ chức Four Paws Việt khám sức khỏe cho 28 cá thể rùa, cầy, đại bàng và tiêm vắc xin cho 39 cá thể hổ đang cứu hộ, bảo tồn tại trung tâm…

hoang-2.jpg
Anh Nguyễn Văn Trung tắm cho gấu.

Ngoài khó khăn về nhân lực, thu nhập thấp, hằng năm, số lượng động vật hoang dã chuyển đến trung tâm thường xuyên quá tải, diện tích chuồng trại chật hẹp, một số chuồng nuôi không đủ điều kiện diện tích để phục hồi tập tính sinh học trước khi tái thả về môi trường tự nhiên; ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công tác cứu hộ. Không chỉ vậy, động vật hoang dã đưa đến cứu hộ tại trung tâm đa phần được các cơ quan chức năng bắt giữ, tịch thu trên đường vận chuyển đi tiêu thụ, nên thường bị thương do nuôi nhốt, dẫn đến khó khăn trong cứu hộ, chăm sóc.

Trong khi đó, số lượng động vật hoang dã chuyển đến trung tâm hằng năm đều tăng 10-15%. Dẫn chứng về việc này, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng thống kê: Đến hết tháng 10-2024, trung tâm đã tiếp nhận 103 vụ, với 1.169 cá thể động vật hoang dã và 54,3kg rắn các loại, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương tăng 169 cá thể động vật hoang dã. Đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên của trung tâm cũng tăng hiệu suất công việc, như: Phòng bệnh định kỳ 17 đợt cho 2.358 lượt cá thể động vật rừng; điều trị 95 đợt cho 2.647 lượt động vật bị mắc các bệnh viêm xương khớp, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm trùng vết thương, co giật thần kinh… Sau khi chăm sóc, phục hồi sức khỏe, trung tâm tái thả 4 đợt với 330 cá thể và 0,9kg rắn về Vườn quốc gia Ba Vì, Vườn quốc gia Tam Đảo, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Vườn quốc gia Cát Tiên; chuyển giao 1 đợt với 11 cá thể cho Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Đối với động vật rừng bị chết trong quá trình tiếp nhận, cứu hộ, trung tâm đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tiêu hủy 2 đợt với 199 cá thể và 0,8kg rắn các loại.