Công nghệ

“Chúng ta nên tận dụng các cơ hội, không nên sợ hãi AI”

Thu Hằng. Ảnh BTC 04/12/2024 - 19:06

Chiều ngày 4-12, tại Hà Nội, tọa đàm “Triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực tế” đã diễn ra sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của gần 300 khách dự, phản ánh sức hút mạnh mẽ của cộng đồng khoa học trong lĩnh vực này.

9(1).jpg
Toàn cảnh phiên tọa đàm

Hiện nay, AI đang là công nghệ nền tảng, đóng vai trò cốt lõi trong việc cách mạng hóa nhiều ngành công nghiệp như: Kinh doanh, giáo dục, y tế và chăm sóc khách hàng... Các mô hình AI tiên tiến nhất như Llama 3, GPT-4 và Gemini 1.5 không chỉ nâng cao khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên mà còn mở ra nhiều cơ hội ứng dụng thực tiễn, giúp tối ưu hóa hiệu suất sản phẩm và dịch vụ, đồng thời cải thiện đáng kể trải nghiệm người dùng.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu số hóa mạnh mẽ, AI đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và tổ chức khi nắm bắt kịp thời các xu hướng công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên, song hành với sự phát triển, việc triển khai AI cũng đặt ra nhiều thách thức lớn về đạo đức, quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Khả năng thu thập và phân tích lượng thông tin khổng lồ của AI làm dấy lên những lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân và lạm dụng dữ liệu. Do đó, việc áp dụng các biện pháp bảo mật hiện đại và xây dựng quy trình minh bạch là thiết yếu để duy trì niềm tin của người dùng, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững.

1.jpg
TS. Xuedong David Huang chủ tọa dẫn dắt buổi tọa đàm

Tại phiên tọa đàm, dưới sự dẫn dắt của TS. Xuedong David Huang, Giám đốc Công nghệ (CTO) của Tập đoàn Zoom (Hoa Kỳ), các nhà khoa học đã chia sẻ về các bước tiến công nghệ mới nhất cũng như các cách để có thể ứng dụng AI vào cuộc sống thực tiễn một cách hiệu quả và trách nhiệm, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số hóa.

4.jpg
GS Yann LeCun phát biểu tại tọa đàm

Theo GS Yann LeCun (Phó Chủ tịch và Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, đồng thời là GS Silver tại Đại học New York - NYU, Hoa Kỳ), hiện tại AI vẫn còn những hạn chế nhưng nó sẽ tốt hơn trong nhiều năm tới. Trước một bộ phận ý kiến lo ngại rằng các hệ thống AI sẽ ngày càng thông minh và có thể cạnh tranh, kiểm soát con người, GS. LeCun cho rằng con người nên tận dụng các cơ hội, không nên sợ hãi AI.

Để định hướng AI, theo GS Yann LeCun, hãy bỏ mô hình AI tạo sinh, xác suất hay mô hình học giám sát. Làm sao để bổ sung kiến thức của con người, làm sao để nền tảng AI là mở, cần có một hệ thống trong tương lai để có thể nói được mọi ngôn ngữ trên thế giới, nếu AI có thể được đào tạo. Chúng ta cần một mã nguồn mở...

7(1).jpg
GS. Đỗ Ngọc Minh trình bày tham luận

Trong tham luận “Ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe”, GS. Đỗ Ngọc Minh (Đại học Illinois tại Urbana–Champaign (UIUC), Hoa Kỳ; Phó Hiệu trưởng Danh dự tại Trường Đại học VinUni, Việt Nam) cho biết, VinUni và UIUC đã hợp tác phát triển công nghệ cảm biến và công nghệ số để tạo ra giải pháp dễ tiếp cận, hỗ trợ theo dõi và cải thiện sức khỏe con người: Xây dựng hạ tầng y tế đáp ứng linh hoạt và hiệu quả; theo dõi và ngăn chặn dịch bệnh
bùng phát trên diện rộng; bảo đảm quyền riêng tư dữ liệu và tiêu chuẩn đạo đức trong y tế; can thiệp hiệu quả và kịp thời nhằm cải thiện sức khỏe con người, kéo dài tuổi thọ; phát triển lĩnh vực y học cá thể hóa và y học tiên lượng; phát triển công nghệ tiên tiến để điều trị các bệnh phức tạp; đổi mới trong lĩnh vực phục hồi chức năng nhờ công nghệ robot tiên tiến và các thiết bị kết nối Internet/đeo được…

“Nhiều ứng dụng AI đang trong nghiên cứu và phát triển. AI cần đc tận dụng hiệu quả hơn, cần được điều chỉnh trong thế giới thực, để thế giới thực thích ứng thực hơn với công nghệ” - GS. Đỗ Ngọc Minh chia sẻ.

5.jpg

Theo TS. Bùi Hải Hưng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI, thuộc tập đoàn Vingroup, Việt Nam), tương lai không chỉ nằm ở việc tạo ra những công nghệ AI mạnh mẽ hơn, mà còn ở việc đưa công nghệ này tới tầm tay của tất cả mọi người. Tuy nhiên, để chạy được các mô hình AI cần có cơ sở hạ tầng tiên tiến và tài nguyên tính toán khổng lồ. Điều này tạo ra rào cản lớn trong việc ứng dụng AI rộng rãi, đặc biệt tại các thị trường đang phát triển. Để giải quyết được bài toán này, cần có những biện pháp tối ưu hóa AI, khiến AI đủ hiệu quả, đủ gọn nhẹ để chạy tốt trên các thiết bị và trên các điều kiện cơ sở hạ tầng khác nhau.

"Là một công ty nghiên cứu và ứng dụng AI, chúng tôi hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc phát triển công nghệ này một cách có kiểm soát và trách nhiệm. Song song với việc tạo ra các công nghệ AI tiên tiến, đội ngũ chuyên gia của chúng tôi luôn chú trọng phát triển các cơ chế và tiêu chuẩn để đảm bảo AI hoạt động an toàn, minh bạch và mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội" - TS. Bùi Hải Hưng cho biết.