''Của tin còn một chút này làm ghi''
Sách - Ngày đăng : 05:41, 11/09/2022
Trần Trọng Giá có những cặp lục bát đáng nhớ. Đó là “Mẹ như ngồi trước heo may/ Xâu thời gian đếm từng ngày con xa" và “Con xin thắp một tuần nhang/ Nhớ thương dồn lại hai hàng lệ sa” trong “Thưa mẹ”; “Nỗi gì hóa đá người dưng/ Tương tư đốt cả một vùng cỏ hoa” trong “Thu cảm”; “Đời như một giấc chiêm bao/ Trời ơi mưa gió khi nào bình yên” trong “Mong”; “Tương tư đâu chỉ chị Hằng/ Còn ta với cả đêm trăng thì thầm” trong “Câu thơ mắc nợ”; “Buồn tênh về bến cô liêu/ Nhặt thương nhặt nhớ bọt bèo phù du” trong “Ngày xuân”; “Em đi lặng lẽ ngàn đêm/ Anh ngồi thiền định muộn phiền đơm hoa” trong “Tình anh”; “Nỗi buồn giờ đã lên hương/ Giấc mơ hoa mãi chẳng buông tình mình” trong “Giấc mơ hoa”; “Em trong ta thực mà mơ/ Đầu ghềnh cuối bãi bao giờ gặp nhau” trong “Bao giờ gặp nhau”...
Đó là những câu thơ đáng được đánh dấu khuyên vào đó. Những câu thơ mang hơi hướng của cách cảm, cách nghĩ truyền thống, nhưng chúng được làm mới bởi trải nghiệm cá nhân, cảm xúc cá nhân. Nói cách khác: Trên cái nền truyền thống, chúng thoát thai và tự tạo ra một khúc quanh, một lối rẽ khác. Đó là những câu thơ duy cảm, thiên về một chữ tình, mà ở đó, hoặc trong đó có mẹ, có em, có vợ, có chồng... Có vẻ như cái sự thiếu đã được làm đầy lên bởi trông chờ, bởi hy vọng. Và dẫu có tuyệt vọng thì tuyệt vọng ấy vẫn không phải là không có giá trị, giống như ý nghĩ của Lý Bạch thời nhà Đường trong tứ thơ “Gửi phương xa”: "Người không bao giờ về/ Hương không bao giờ mất".
Một người mẹ đợi chờ con kiên nhẫn đến mức “xâu thời gian đếm từng ngày con xa”. Một người nhận ra “vàng son rồi cũng phai màu” để bất chấp muôn cuộc bể dâu. Một người nhận ra “đời như một giấc chiêm bao” trong sự không bình yên muôn thuở. Một người nhận ra em là không cùng, không tận, để làm cuộc hành trình “nhớ ai chớp bể mưa nguồn tìm nhau” hoặc vừa phân vân, vừa bất an nhưng không hoàn toàn hết hy vọng: “Đầu ghềnh cuối bãi bao giờ gặp nhau?”. Và một người yêu đến mức để nỗi đợi chờ hóa đá, nỗi buồn lên hương, phiền muộn đơm hoa, rồi cả tương - tư - lửa nữa trong một giấc mơ hoa đầy ám ảnh...
Nếu chỉ làm một phép cộng thuần túy thôi, độc giả đã dễ dàng nhận ra cái bên trong rất đáng nói và cũng rất đáng kể của Trần Trọng Giá rồi. Riêng “Áo mùa đông đã may xong/ Chồng ơi em mặc cho chồng được không” là hai câu thơ giản dị nhưng lại đáng nhớ, vì cái tình vợ chồng chứa chan trong đó, trong một hoàn cảnh rất cụ thể, riêng biệt. Ấy là tâm trạng của nàng Bân khi đan áo cho chồng. Vì vụng về, chậm chạp nên khi đan xong áo thì trời hết rét. Thương con, trời đã làm rét trở lại (rét tháng ba) để chồng nàng được mặc áo rét của vợ (rét nàng Bân). Câu “Chồng ơi em mặc cho chồng được không”, đọc xong, thấy ứa nước mắt, bởi nó đụng đến trái tim độc giả.
Tôi không biết trong gia tài thơ của Trần Trọng Giá có bao nhiêu bài thơ trên sáu dưới tám. Nhưng khi đọc “Gửi lại dòng sông” - một tập thơ lục bát đầy đặn với gần 200 bài, thì tôi thấy nể ông. Viết thơ lục bát vốn khó nhưng lại viết được nhiều như thế, thật đáng quý. Càng đáng quý hơn khi ông để lại những khoảnh khắc lục bát đáng nhớ qua những cặp lục bát mà người viết đã dẫn chứng ở trên. Học cụ Nguyễn Du, tôi coi bài viết này như “Của tin có một chút này làm ghi” về thơ Trần Trọng Giá.