Kinh tế

Áp lực của người tiêu dùng buộc doanh nghiệp phải nâng chất lượng sản phẩm

Lam Giang 04/12/2024 - 16:18

Việc lựa chọn thông minh và tiêu dùng có trách nhiệm tạo áp lực, buộc doanh nghiệp phải cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm.

phat-trien-he-thong-ban-le-1.jpg
Các diễn giả tham gia diễn đàn. Ảnh: Lam Giang

Ngày 4-2, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn chính sách và pháp luật phát triển thương mại trong nước năm 2024, với chủ đề “Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại nhanh, bền vững”.

Theo ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) hệ thống bán lẻ đóng vai trò quan trọng, không chỉ kết nối sản xuất và tiêu dùng, mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới vừa mở rộng thị trường vừa thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực đổi mới, nâng cao chất lượng và dịch vụ bán lẻ.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) cho rằng, trước áp lực cạnh tranh cùng sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, các doanh nghiệp không chỉ giữ vai trò cung cấp sản phẩm, mà còn đóng vai trò định hình tiêu chuẩn chất lượng và xây dựng hình ảnh thương hiệu.

Để nâng cao chất lượng hàng hóa, các doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời, việc áp dụng, duy trì và cải tiến quy trình kiểm soát chất lượng toàn diện là yếu tố then chốt đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất.

Về trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp phải hành động có đạo đức, bảo vệ môi trường và hỗ trợ cộng đồng.

phat-trien-he-thong-ban-le-2.jpg
Người tiêu dùng cần tạo áp lực ngược để doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng hóa. Ảnh: Lam Giang

Về phía người tiêu dùng bà Thủy cho rằng, việc lựa chọn thông minh và tiêu dùng có trách nhiệm sẽ tạo áp lực buộc các doanh nghiệp phải cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Người tiêu dùng được quyền yêu cầu thông tin rõ ràng, minh bạch về sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn theo xu hướng xanh, bền vững và có thể sử dụng quyền này để bảo vệ mình trước những sản phẩm kém chất lượng”, bà Thủy nói.

Mặt khác, người tiêu dùng có thể tham gia vào các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng hay những chiến dịch cộng đồng vì sản phẩm sạch, tiêu dùng xanh.

Người tiêu dùng trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm và thông tin hữu ích của sản phẩm, doanh nghiệp tới cộng đồng. Cộng đồng càng được nâng cao nhận thức thì tác động càng tích cực.

Để phát triển hệ thống bán lẻ nhanh và bền vững các diễn giả thống nhất, cần thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các mô hình bán lẻ đa kênh, tăng cường trải nghiệm người tiêu dùng và tối ưu hóa quản trị chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, cần tăng cường năng lực cạnh tranh và hợp tác, trong đó khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước nhằm chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ hiện đại, bền vững.