Chính trị

Hội Cựu chiến binh Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Nguyên Hoa 04/12/2024 - 14:05

Ngày 4-12, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VII (2024-2029) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại Đại hội.

a-15.jpg
Các đại biểu dự Đại hội. Ảnh Trọng Đức.

Dự Đại hội có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí Thư Trung ương Đảng - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các Bí thư Trung ương Đảng: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam Bế Xuân Trường. Dự Đại hội có 493 đại biểu điển hình tiên tiến xuất sắc ở các cấp Hội trong 5 năm qua.

Trước ngày khai mạc Đại hội, các đại biểu đã tổ chức Lễ báo công và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; giao lưu điển hình tiên tiến với chủ đề: “Mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

z6096229485553_08e61272c5fd6847b78e987c6fdb7c9c.jpg
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam Bế Xuân Trường khai mạc Đại hội. Ảnh: Việt Trung.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam Bế Xuân Trường khẳng định: Cách đây 35 năm, ngày 6-12-1989, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra quyết định thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Trải qua 35 năm xây dựng, trưởng thành, cả nước hiện có hơn 3 triệu hội viên cựu chiến binh, sinh hoạt ở 13.675 tổ chức Hội cơ sở. Các thế hệ cựu chiến binh đã nỗ lực phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục khẳng định là một tổ chức chính trị - xã hội uy tín, xứng đáng với vai trò, vị trí là nòng cốt chính trị, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền các cấp. Đã có trên 8.000 doanh nghiệp cựu chiến binh vừa và nhỏ, hơn 1.300 hợp tác xã, hơn 2.600 tổ hợp tác, 160.000 trang trại, gia trại do cựu chiến binh làm chủ, tạo việc làm cho trên 800.000 lao động là cựu chiến binh, cựu quân nhân, con em cựu chiến binh và đóng góp hàng nghìn tỷ đồng làm công tác chính sách xã hội…

Với những thành tích đạt được trong 35 năm qua, Hội Cựu chiến binh Việt Nam vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đã có 24 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hàng trăm tập thể, hàng nghìn cá nhân được Nhà nước tặng thưởng huân chương, được Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành, chính quyền các cấp khen thưởng

Đại hội thi đua yêu nước Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VII (2024-2029) xác định mục tiêu tiếp tục tập hợp, vận động các thế hệ cựu chiến binh phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, truyền thống “trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới” thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân. Tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Phát huy nội lực, tự lực, tự cường giúp nhau làm kinh tế giỏi, giảm nghèo nhanh, bền vững, làm giàu hợp pháp; chăm lo giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Xây dựng hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, góp phần xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh…

z6096229823548_18aecbca920669e0a3906cc49a3834b0.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm tao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ảnh: Việt Trung.

Trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Hội Cựu chiến binh Việt Nam vì đã có nhiều đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Tô Lâm nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích xuất sắc của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong 35 năm qua; chúc mừng những thành tích trong phong trào thi đua yêu nước của Hội.

Đồng tình với phương hướng, mục tiêu thi đua của Đại hội trong những năm tới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đất nước ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một giai đoạn lịch sử rất quan trọng với cả những thời cơ, thuận lợi và thách thức to lớn. Thế giới đang diễn ra những thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ, cơ hội, chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước…

Để thực hiện được vai trò, trách nhiệm đó, Tổng Bí thư chỉ rõ, Hội Cựu chiến binh Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực hơn nữa trước đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và nâng cao vị thế đối ngoại của đất nước.

z6096229253983_6b9e5220dd50cfa60be190a4cdb6b241.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Ảnh Việt Trung.

Các cấp Hội và mỗi cán bộ, hội viên của Hội cần luôn giữ trong mình tinh thần thi đua yêu nước, ý thức rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Là một đoàn thể của những người đã từng chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành trong khói lửa kháng chiến, đã có cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tổng Bí thư đề nghị, Hội Cựu chiến binh Việt Nam phải luôn vững mạnh, tiêu biểu cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Mỗi cán bộ, hội viên phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; gương mẫu chấp hành và tích cực tuyên truyền vận động nhân dân và gia đình thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần xây dựng Hội xứng đáng với vai trò, vị trí là “nòng cốt chính trị, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền các cấp, là cầu nối vững chắc cho mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân”.

Các cấp Hội cần phối hợp chặt chẽ với các cấp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, các quy chế, quy định của Đảng về nêu gương, giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền liêm chính, hiệu lực, hiệu quả. Trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân để bổ sung, hoàn thiện các Văn kiện trình Đại hội, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tham gia tích cực vào quá trình quan trọng này.

Trên mặt trận tư tưởng, các cựu chiến binh cần tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động ngăn chặn, đấu tranh với những quan điểm sai trái, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; chủ động phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; phối hợp với các đoàn thể xã hội vận động nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần giải quyết các mâu thuẫn xã hội ngay từ địa phương, cơ sở.

Trong công tác thi đua, Hội cần tiếp tục phát động và thực hiện rộng rãi các phong trào, trong đó phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” thực sự tạo động lực để mỗi cán bộ, hội viên tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cần thực hiện tốt việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến; đổi mới việc tuyên truyền để cổ vũ, khích lệ, tạo sự lan tỏa phong trào thi đua..

Tin tưởng Hội Cựu chiến binh Việt Nam sẽ có bước phát triển mới, ngày càng vững chắc, đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa, góp phần quan trọng đưa đất nước vươn lên, ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư khẳng định, Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ để Hội Cựu chiến binh Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ quan trọng của mình trong tình hình mới.

z6096229212158_78055cff2111427cf68ebf0e622099cd.jpg
Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Việt Trung.

Phát biểu tại Đại hội, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đề nghị Hội Cựu chiến binh Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt chương trình phối hợp hoạt động giữa Quân đội và Hội Cựu chiến binh Việt Nam giai đoạn 2022-2027; tập trung phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên cựu chiến binh và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, đường lối, nhiệm vụ quân sự - quốc phòng; về truyền thống yêu nước, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động đấu tranh làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng. Phối hợp tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Thực hiện tốt chính sách quân đội và hậu phương quân đội; xây dựng tổ chức Hội Cựu chiến binh các cấp vững mạnh, các cơ quan đơn vị quân đội vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu. Gắn kết chặt chẽ phong trào thi đua yêu nước trong cựu chiến binh với phong trào thi đua quyết thắng trong quân đội. Tham gia tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân…